“Chiến tranh”, “Hoà bình”, và “Giải phóng”

Lâu lâu tôi share lại bài này.

Con người ghét chiến tranh. Vì thế họ phản ứng với chiến tranh. Họ phát động một cuộc chiến để chấm dứt chiến tranh. Vì đó có vẻ là cách hợp lý nhất, để đặt một dấu chấm hết cho mọi chuyện. Và bằng cách đó, họ mang thêm nhiều chiến tranh hơn nữa vào thế giới này, trong suốt hàng nghìn năm qua.

Tôi không ủng hộ bất cứ cuộc biểu tình, hay phong trào “Chống Chiến tranh” nào. Tôi chỉ tham gia vào những phong trào “Ủng hộ Hoà bình” mà thôi.

Tôi cũng không ủng hộ bất kỳ phong trào nữ quyền nào theo kiểu “Đả đảo đàn ông”, tôi chỉ tham gia những phong trào bình đẳng giới “Ủng hộ Phụ nữ”. Hẳn nhiên, tôi càng không tham gia những cuộc thảo luận “xem thường phụ nữ” của đàn ông.

Về cá nhân, tôi nghĩ đến khi nào một trong hai phái vẫn còn cái nhìn hằn học về phái còn lại, và muốn “lôi cả thế giới về phe mình, đồng thời chứng minh giới-tính-đối-lập là một đám tồi tệ”, do những tổn thương và vết sẹo trong quá khứ, thì họ vẫn không có được hạnh phúc từ bên trong. Và nếu không hạnh phúc, thì mọi thứ còn có ý nghĩa gì? Chúng ta thường muốn chứng minh người khác sai, vì người khác sai thì mình sẽ đúng. Và, nhiều người thà Đúng còn hơn là Hạnh phúc. Chưa kể, khi phản ứng như vậy, chúng ta sẽ mang “nhân” của mối quan hệ cũ vào những mối quan hệ mà mình sẽ “hấp dẫn” đến trong tương lai. Điều đó thật đáng tiếc.

Để vượt qua tổn thương, để hàn gắn hoà bình, để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp trong tương lai, thì cách mà chúng ta phản ứng với mọi chuyện thật quan trọng. Để ta không vô tình tạo ra thêm một “cái hộp” mô thức & hành xử khác, để rồi theo phản xạ “nhốt mình vào trong hộp” khi gặp tình huống tương tự.

Không nên lấy tiêu chuẩn của bản thân để áp đặt lên người khác. Lập gia, hay lập nghiệp, chúng ta đều luôn có những lựa chọn. Và nếu lựa chọn của mình không thể giải quyết được (trước đó hãy cố hết sức cái đã), thì hãy xử lý nó. Đó là điều rất dỗi bình thường, cũng giống như ta chọn ngành này nhưng khi ra trường lại làm ngành khác. Hãy xem chuyện chia tay là một chuyện nhẹ nhàng như bị đau ốm, nằm bệnh viện, trong số rất nhiều chuyện xẩy ra trong cuộc sống. Đó là một lời khuyên khá hay mà tôi từng nhận được. Phụ nữ, sinh ra không phải chỉ để lấy chồng. Nếu gia đình có chưa trọn vẹn, đừng dằn vặt mình vì điều đó. Những quan niệm theo kiểu “gia đình không trọn vẹn thì không thành công và hạnh phúc” là quan điểm mà theo tôi là có phần áp đặt, dồn ép, và có phần làm con người đau khổ khi gán những tiêu chuẩn đạo đức của xã hội vào. (Đạo đức xã hội = Đau khổ của con người, đó có lẽ là một bài viết khác).

Bởi lẽ, cuộc sống là không hoàn hảo. Và con người là không hoàn mỹ. Đừng vì điểm yếu của một người mà chối bỏ điểm mạnh của họ. Đừng vì sai lầm của một hành vi mà chối bỏ đi sự cống hiến của một cá nhân. Gia đình là nơi bình yên, song tự mỗi người nên để trở thành hạnh phúc từ bên trong, đừng đợi người khác đến thì mới “unlock” hạnh phúc được cho mình. “Tu thân, Tề gia, Trị quốc, Bình thiên hạ”, nghe rất lý tưởng, nếu được như thế thì hoàn mỹ quá. Sự thực là, trong cuộc đời, có người có duyên với việc này và không có duyên với việc khác, đó cũng là chuyện bình thường như cân đường hộp sữa. Hơn nữa, đó lại là lời Khổng Tử. Lời của Khổng Tử, cái nào áp dụng có ích thì áp dụng. Áp dụng không chọn lọc toàn bộ lời của Khổng Tử là một trong số những nguyên do khiến cho Phương Đông thua xa Phương Tây về Đổi mới Sáng tạo. Hệ luỵ của nó vẫn kéo dài đến tận ngày hôm nay.

Tôi biết ơn cuộc đời vì vẫn còn có thể học hỏi và cho đi. Hôm nay, với tôi không phải là ngày Giải phóng. Tôi chỉ viết cho sự “giải phóng” bên trong mỗi chúng ta. Chúng ta là con người của tự do, tự do trong tâm thức. Cầu mong chúng ta sẽ ngày càng tự do hơn!

#thuchanh_longbieton

Những quan niệm cho rằng “phụ nữ từng lập gia đình thì mất giá” hay “đàn ông từng ly hôn thì không tốt” là những quan điểm mà về cá nhân tôi cho rằng rất vớ vẫn.

Những bài viết kiểu “phụ nữ hơn nhau ở tấm chồng” hay “đàn ông hơn nhau ở nụ cười của người phụ nữ bên cạnh mình” cũng là những bài viết mà về cá nhân tôi cho rằng nó chỉ khiến con người ta đau khổ hơn.

Vì thứ nhất, nó ràng buột con người ta với suy nghĩ rằng nếu chẳng may bạn không hạnh phúc trong gia đình của bạn thì bạn không có tư cách làm điều gì khác. Điều đó giống như một loại “nô lệ tư tưởng” khác. Cũng giống như Nho giáo sinh ra để khiến con người trở thành nô lệ cho hệ thống phong kiến, với những câu nói như “quân bắt thần tử thần bất tử bất trung” hay “tam tòng tứ đức” như “phu tử tòng tử” vốn chỉ là một cái ách nô lệ lên người phụ nữ nói riêng hay con người nói chung. Điều đó sinh ra những phán xét hời hợt và tư duy “chụp mũ” con người mà thiếu đi sự đánh giá toàn diện về họ.

Thứ hai, gia đình riêng không hạnh phúc không có nghĩa là bạn không hạnh phúc. Điều đó tưởng chừng như có liên quan nhưng thật ra là không. Không có ai khác có thể mang hạnh phúc đến cho bạn. Và bạn cũng không thể trông mong vào điều đó. Tự bạn bạn cứ hạnh phúc thôi. Ta cần phải biết cách hạnh phúc khi chỉ có một mình trước. Khi hai người biết cách hạnh phúc khi chỉ có một mình gặp nhau, họ sẽ càng hạnh phúc hơn.

Có một bài học xương máu là sự hợp tác giữa hai người độc lập sẽ tốt hơn sự hợp tác giữa hai người phụ thuộc.