Diễn thuyết quốc tế

Tại Hội nghị doanh nghiệp xã hội (Social Business Youth Summit) tổ chức tại Manila năm nay, tôi có phần diễn thuyết trước các doanh nhân xã hội, nhà đầu tư, nhà làm luật, lãnh đạo cộng đồng, nhà hoạt động xã hội, các vai trò khác có liên quan… đến từ nhiều nơi trên thế giới. Là Speaker người Việt Nam duy nhất, tôi mạn phép “đại diện” cho Việt Nam thực hiện phần chia sẻ của mình, được cả Hội nghị ủng hộ, vỗ tay nhiều lần, và có một cách nhìn mới về đất nước chúng ta, không phải qua những “tệ nạn” vốn nổi danh với bạn bè quốc tế như ăn cắp vặt, ăn buffet bỏ thừa, chen lấn không xếp hàng… Tất nhiên bản thân tôi là con người, cũng có nhiều khiếm khuyết, nhưng khi cần thực hiện sứ mệnh của mình, tôi sẽ luôn nắm lấy và hành động.

“Doanh nhân xã hội” đã không còn là một phong trào, mà đó là điều cần phải xẩy ra như một niềm hy vọng cho thế giới ngày nay. Đó là người dung hoà giữa hai thái cực, nói cho vui là họ đi “con đường trung đạo”. Một Doanh nhân xã hội thành công là người phải quan tâm đến cả 2 yếu tố: Social VÀ Money. Không phải là OR mà là AND. Họ tìm ra giải pháp dung hoà những vấn đề tưởng như mâu thuẫn nhau, tạo ra sự thay đổi trong xã hội dù thoạt nhìn chuyện đó có vẻ là “phi lý”. Cuốn sách hay nhất viết về Doanh nhân xã hội với tôi lả cuốn “Sức mạnh của những người phi lý”.

Kinh doanh và Từ thiện có thể đi cùng nhau hay không? Hãy tách bạch ra, cái nào ra cái đó. Nếu ráp lại là có vấn đề. Nhưng con đường của Doanh nhân xã hội không cực đoan thiên về bên nào mà vượt qua tư duy nhị phân đó.

Nếu cực đoan chỉ quan tâm đến Từ thiện, có những “bệnh” như sau:
-Chỉ sống bằng tài trợ, không tạo ra hoạt động bền vững khi bị cắt ngân sách.
-Từ thiện “làm hư” xã hội. Ví dụ, khi tôi lên Hà Giang, có nhiều người làm từ thiện theo kiểu mua quà bánh phát cho những đứa bé người dân tộc ở đây, rồi cười lớ phớ ra về và lòng đầy tự hào vì mình là người tốt và tử tế, nhưng chính điều đó khiến cho trẻ em ở đây trốn lớp bỏ học cả vì ngày nào cũng… tràn ra đường xin quà bánh cũng như tiền từ những vị khách du lịch đó. Mà không đi học = không có tri thức = không có tương lai.
-Có cảm giác mình đức hạnh hơn người khác và tập hợp cùng một nhóm người tự cho rằng mình hành xử đức hạnh hơn người. Khi bạn nhìn người mình giúp đỡ với góc nhìn thương hại, bạn đang cho mình ở vị thế cao hơn họ. Hãy thay đổi góc nhìn từ “thương hại” sang “trắc ẩn”, tức là bạn tin vào tiềm năng của họ, những gì họ thiếu chỉ là một chút xúc tác ví dụ như môi trường và bạn sẽ hỗ trợ họ điều đó, nhưng bạn không tội nghiệp họ mà tin tưởng, ủng hộ và cổ vũ họ.

Nếu cực đoan thiên về Kinh doanh, lại có những “bệnh” như: hình thức, sĩ diện, hội nhóm, quan hệ xã giao, tối đa lợi nhuận bằng mọi cách dẫn đến sự hủy hoại xã hội (ví dụ như trước đây trong kinh doanh, người ta không đầu tư vào một thứ: Môi trường, vì Môi trường không tạo ra lợi nhuận, mà chỉ là chi phí)

Nhưng thế giới ngày nay đòi hỏi một cách tiếp cận hài hoà hơn, không phải là trade-off (đánh đổi, ví dụ công ty sản xuất đầu tư cho thiết bị môi trường thì phải chấp nhận đánh đổi lợi nhuận vì gia tăng chi phí) mà là trade-on (chơi chữ so với trade-off, ví dụ cũng doanh nghiệp trên nếu hành xử có lợi cho môi trường, sẽ được ủng hộ, khi công ty có danh tiếng tốt, công ty làm ra nhiều lợi nhuận chính đáng hơn, đó là “lợi ích cộng hưởng” hoặc là “win-win” vậy). Doanh nghiệp xã hội là lời giải cho vấn đề đó khi vừa tạo ra tác động xã hội lẫn lợi nhuận, trao quyền cho người thụ hưởng cùng tham gia vào quá trình đó, dẫn đến sự phát triển hài hoà giữa cá nhân – doanh nghiệp – xã hội.

Vì thế, người Kinh doanh có rất nhiều cái để học từ người Xã hội, và người Xã hội cũng phải trang bị cho mình rất nhiều kỹ năng của Kinh doanh. Hai loại người đó gộp lại gọi là Doanh nhân xã hội.