Nếu cả thế giới này đều sợ hãi, thì chẳng có điều vĩ đại nào xẩy ra cả

Sau khi khám phá vòng quanh Mỹ Latin, tôi sẽ kết thúc chuyến đi của mình với 4 ngày hội nghị. Đây là một số hình ảnh cập nhật từ đêm khai mạc.

Tôi luôn rất thích các bạn Châu Phi vì nhiều lần tiếp xúc, tôi nhận ra bên trong sự “hoang dã” của những người con Lục địa đen chính là nền tảng cho một khả năng sáng tạo đáng kinh ngạc. Điều thú vị tiếp theo là Châu Phi có nhiều quốc gia nói tiếng Anh (một số nói tiếng Pháp, vài ba nước nói Bồ Đào Nha, và duy nhất một nói tiếng Tây Ban Nha), họ đã nói rất lưu loát ngôn ngữ này trong nhà trường và cuộc sống rồi, nên không có nhiều rào cản (barrier) trong giao tiếp và thể hiện bản thân với thế giới như phần lớn người Châu Á. Đó là một lợi thế của họ. Phần còn lại chỉ là những giới hạn trong niềm tin và những tiềm năng khổng lồ song lại chưa được “unlock”. Chính vì vậy nhiều lần tiếp xúc, tôi ngạc nhiên vì với tiềm năng như thế họ phải cực kỳ thành công rồi, có lẽ nào việc một Châu lục hay một màu da nào đó bị “nguyền rủa” là sự thật? Sống trên kim cương nhưng lại bị người da trắng “block” hết thành tựu. Dù sao thì suy nghĩ nguyên bản của tôi vẫn là yêu quý, tôn trọng và cá nhân tôi dễ làm thân với những anh bạn Châu Phi.

Nói về chuyện tiếng Anh, tôi cũng chia sẻ luôn, tôi có mặt ở đây mà không nói “tiếng Anh chuẩn” như một dạo mạng xã hội vô cùng xôn xao. Cá nhân tôi vẫn khuyến khích học, nhưng tôi nghĩ chuyện đó không phải là cái gì quá ghê gớm. Tiếng Anh với tôi chỉ là “tool” (công cụ) không hơn không kém. Tôi đã nhìn thấy đầy những hội nghị lớn, những người có ảnh hưởng nhất, những chủ nhân giải Nobel hoà bình, những người tiên phong và đổi mới, vẫn tự tin đứng trên sân khấu dù tiếng Anh chả chuẩn tí nào, ít ra là chả chuẩn như đồng chí người nước ngoài quay video đề cập đến. Điều quan trọng là thông điệp họ muốn truyền tải. Sự có mặt của họ, hành động dấn thân của họ, và cuộc đời họ là thông điệp đó. Và tiếng Anh chỉ cần vừa đủ để truyền tải thông điệp này. Bạn không thể nói hay nếu bạn chưa sống cuộc đời đáng sống, vì bạn chẳng có thông điệp gì để nói cả. Học tiếng Anh cho chuẩn từng âm, nói cho hàn lâm vào và một hồi nhìn lại thấy bên dưới ngủ gật hết cũng vậy à.

Bạn đừng hỏi tôi về cách học tiếng Anh của tôi. Tôi chỉ kể đơn giản như vậy. Hồi đó tôi gặp một đồng chí đối tác nước ngoài, nói chuyện nghe được 10%. Sau khi đi du lịch khoảng có hơn 10 nước, về gặp lại đồng chí ấy, lần này nghe được khoảng 80%. Bây giờ đi càng nhiều hơn, về gặp lại cảm thấy “chúng ta càng thuộc về nhau” hơn. Thông điệp ở đây không phải là dùng tiền đi du lịch để học tiếng Anh, tôi cũng chỉ học nhân tiện thôi mà. Thông điệp là hãy “ném mình” vào hành động thực tế, con người có một khả năng thích nghi để sinh tồn rất đáng sợ. Điều đó có trong từng tế bào đã tiến hoá qua hàng chục nghìn năm của chúng ta.

Cách đây vài năm tôi cũng đã tiên đoán về những công cụ “chuyển ngữ” ngay lập tức như Google vừa ra mắt. Theo đó thì tương lai thế giới sẽ là một nơi không có rào cản trong ngôn ngữ nữa. Và chúng ta chả cần phải học tiếng Anh nữa. Bạn nghĩ chuyện này điên rồ ư? Hãy nhớ lại. Cách đây 10 năm chưa có iPhone, bạn chưa lên Appstore, bạn chưa đặt xe bằng Uber hay Grab, bạn chưa đặt phòng qua Airbnb, bạn chưa tìm đường bằng Google maps hay Waze. Công nghệ thay đổi mọi mặt trong cuộc sống chúng ta.

Nhưng từ giờ đến 10 năm sau, cứ chủ động luyện và học tiếng Anh đi nhé. Cứ chờ rồi lỡ mất nhịp 10 năm có khi lỡ cả đời người. Chỉ là đừng “thần thánh hoá” tiếng Anh quá nhe.

Trong hình là Muhamed Yunus, chủ nhân giải Nobel hoà bình, một doanh nhân xã hội nổi tiếng nhất, một trong những diễn giả quan trọng tại One Young World dù không nói “tiếng Anh chuẩn”.

Hãy ngừng nỗi sợ hãi bằng cách ném mình vào hành động. Sống cuộc đời đáng sống và phần còn lại cứ để duyên nghiệp vận hành thôi vậy.