Nói một chút về thiền

Thiền là phương pháp không mang tính tông phái, tức là không phải thiền = tôn giáo.

Tuy nhiên vì Đức Phật Gautama (còn gọi là Tất Đạt Đa hoặc Thích Ca) đi đến “giác ngộ” thông qua phương pháp tu tập là tu thiền. Nên thiền “có vẻ” liên quan đến đạo Phật.

Đạo Phật cũng không phải tôn giáo, đạo Phật là khoa học. Còn gì khoa học và logic hơn luật Nhân – Quả?

“Phật” (Buddah) không phải danh từ riêng, mà là danh từ chung. Bất cứ ai “giác ngộ” (có thể xem là Tồn kho Nghiệp = 0) thì được gọi là Phật. Có nhiều Đức Phật đã thành và sẽ thành.

Đức Phật Gautama là một “nhà khoa học”. Đức Phật không sáng lập ra đạo Phật, ông chỉ truyền dạy về Luật tự nhiên trong vũ trụ. Đạo Phật là đạo của những luật tự nhiên. Còn Einstein nói “đạo Phật là đạo của những nhà khoa học”. Nếu hiểu sâu, đạo Phật thật ra không có gì mâu thuẫn với Kitô giáo hay các tôn giáo khác. Tôn giáo phải khiến cho con người đoàn kết hơn chứ không phải chia rẽ con người.

Phương pháp của Đức Phật là thông qua Giới – Định – Tuệ, sử dụng “công cụ nghiên cứu khoa học” là Thiền để khám phá và thấu triệt hoàn toàn vũ trụ này, đi từ Thân đến Tâm và từ đó mở ra cánh cổng bước vào “thế giới khác”, thoát ra khỏi cái “Quy trình” mà chúng ta đang ở trong đó chính là Sinh – Lão – Bệnh – Tử – Kiếp trước – Kiếp sau – Luân hồi.

Nếu bạn “ở trong” quy trình, là một “con ốc vít” hay một phần tử của nó, bạn không thể nhận ra quy trình. Nếu bằng một phương pháp nào đó có thể “thoát” ra khỏi quy trình, zoom out ra, để nhìn nó bao quát hơn, hệ thống hơn, bạn bắt đầu nhận ra quy trình trên, và hiểu tại sao “Đời là bể khổ” theo tất cả mọi ý nghĩa tích cực nhất của câu nói này. Có nghĩa là kiếp này ta sống để “trả nghiệp” cho kiếp trước, đồng thời cũng tạo ra thêm nghiệp cho kiếp sau, và kiếp sau lại trả cho kiếp này, lẩn quẩn quá. Khổ quá. Đời là bể khổ, qua được bể khổ là… qua đời. Giờ còn hiểu thêm qua đời cũng chưa qua được bể khổ. Thế là bạn bắt đầu bước ra khỏi con đường đau khổ và bước vào Thánh Đạo – con đường giác ngộ. Bạn bắt đầu “ngộ”. Nếu tu tập không tới nơi tới chốn, bạn bè, gia đình bắt đầu nhìn bạn và nghĩ bạn… có vấn đề rồi (!?)

Phải có một cách để “Break” cái “vòng luẩn quẩn” quy trình đau khổ trên, và đó chính là phát minh của Đức Phật. Đức Phật không sáng tạo ra các Luật tự nhiên trong vũ trụ, ông chỉ khám phá ra nó. Nhưng “phát minh” của ông chính là phương pháp thoát khổ này. Đó là đóng góp của Thích Ca cho thế giới.

Có thể thông qua “phát minh” đó, Đức Phật được nhìn nhận có vị thế ngang ngửa như một “Vị Thần”, như những Đấng sáng tạo, và có “Thần Thông”. Nhưng ta không bàn câu chuyện đó ở đây để chứng minh Hơn – Thua giữa các giáo phái.

Tôn giáo và Khoa học rồi sẽ là một. Đức Phật là nhà khoa học siêu giỏi vì rất nhiều điều ông đã làm “thực nghiệm” qua phương pháp tu thiền, thấu triệt các luật vũ trụ, rồi nói ra từ cách đây 25 thế kỷ, đến ngày hôm nay khoa học nói lại… y chang. Dù nghe có vẻ “choáng ngợp” trước sự phát triển như vũ bão của khoa học qua thông tin báo đài, Tesla, AI ghê gớm này nọ. Trí tuệ của khoa học vẫn còn nhỏ bé như “lá cây” so với “rừng cây” là trí tuệ của những nhà tiên tri mà loài người chủng này từng biết đến.

Thế giới trải qua 3 giai đoạn. Một, tôn giáo chiến thắng khoa học: khi ai nói rằng mặt trời là trung tâm chứ không phải trái đất, người đó bị hành hình. Hai, khoa học thắng thế tôn giáo: khi ai đó cho rằng tôn giáo là “thuốc phiện” của nhân loại. Ba, khoa học và tôn giáo hoà hợp và nhập lại là một: những nhà khoa học càng lên đến đỉnh cao càng “được thuyết phục” và giữ sự tôn kính với Đấng sáng tạo. Họ đâu phải mấy thằng ngu?

Ma thuật = Khoa học. Cách đây hàng trăm năm, việc ngồi cách nhau nửa vòng trái đất vẫn nhìn thấy nhau qua Video Call = Ma thuật. Ti vi hay sóng điện từ từng chỉ là những “huyền thoại”. Bây giờ chúng = Khoa học. Những điều khoa học chưa chứng minh được, chúng ta sẽ nghe nói trước về nó, và rồi khi đến thời điểm đủ phát triển, khoa học sẽ chứng minh ra những điều đã… có sẵn ấy. Trước khi khoa học chứng minh ra Lỗ đen vũ trụ (Black hole), nó đã xuất hiện trong tiểu thuyết Maelstrom của Edgar Poe (tác giả của “Alice lạc vào xử sở thần tiên”).

Quán triệt điều này, ta cũng hiểu vì sao Tôn giáo = Khoa học. Đức Phật = nhà siêu khoa học. Thần thông/ phép thuật = Khoa học của những nhà tiên tri, những vị “Phật”.

Đức Phật “giác ngộ” ra những quy luật tối hậu qua Thiền.

Để dễ hiểu hơn, hãy hình dung một con kiến đang di chuyển trên mặt bàn, nó sống trong “không gian 2 chiều”, nó không ý thức được về sự tồn tại của chúng ta – con người sống trong “không gian 3 chiều”. Nhưng nếu ta “tác động” lên thế giới của nó, nó bị chấn động, có thể còn bị sốc, và nếu có ngôn ngữ chúng sẽ gọi ta là gì? Những vị thần khổng lồ.

Sinh vật sống trong thế giới 2 chiều không ý thức được sinh vật sống trong thế giới 3 chiều. Còn thế giới 4 chiều?

Tương tự, thông qua Thiền, Đức Phật có thể “mở ra” cánh cổng vào “chiều không gian thứ 4”, nơi đó có thể gọi là “Niết bàn, “Nước trời”, hay “Thành Thiên Đế”. Gọi là gì không quan trọng. Đức Phật khám phá ra nó không phải một “nơi chốn” cụ thể, mà ở ngay bên trong ta. Bên trong mỗi người đều có một “chiếc chìa khoá” mở ra “cánh cửa” đến “chiều không gian thứ 4” ấy. “Chiếc chìa khoá” ấy là Thiền. Và Đức Phật dạy cho chúng ta điều này. Dù có thần thông hay không không quan trọng, ngay giờ phút này dù cho Đức Phật có ngồi ngay bên cạnh bạn, bạn cầu xin, ông cũng không ban phát phép màu nào cho bạn mà chỉ dạy cho bạn “Phương pháp” trên. Nếu ai thực hành đủ thì “giải thoát” và tự tạo ra “phép màu” cho mình, còn nếu không thì thôi, làm người trần cho “vui”. Take it easy.

Đó là sự khác biệt giữa đạo Phật nguyên thuỷ và đạo Phật ngày nay. Là bởi vì trong sự phát triển và suy vong của đạo Phật, có nhiều người đã đứng ra rồi tự lập giáo phái này, tông phái nọ, nhánh A nhánh B, để rồi càng lúc càng “vô minh”. Sự điên rồ ngày càng tiếp diễn. Họ bắt đầu đưa vào nhiều tập tục, lễ nghi, niềm tin không thông qua thực chứng. Và rồi người ta bắt đầu đến Chùa để “hối lộ thần linh” và cầu xin những ước nguyện mà quên bẵng sự thực hành. Thời nào cũng thế, cứ xa rời cái “Đạo” gốc rễ, mở ra nhánh này nhánh kia, cứ phải là “My Own”, thì hỏng hết. Tôi quan sát nhiều hiệp hội kinh doanh cũng thế, sinh hoạt được một tí lại thích “ra riêng”, lập “phái riêng”, xa rời “hạt nhân”, “mặt trời”, những giá trị gốc rễ. Vì cái suy nghĩ nông cạn “thích là của riêng mình”. Chắc chắn thất bại, hoặc cũng chỉ lèo tèo không thể lên nỗi, như thế không làm được Việc lớn.

Đức Phật Thích Ca chỉ dạy đến Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo. Đức Phật chỉ dạy đến đó không phải vì ông chỉ biết đến đó, mà vì những điều còn lại “không thể dạy được”. Và đó là một Phương pháp vô cùng Sáng tỏ, Hệ thống, Không thừa Không thiếu có thể nói là Tối giản, đó là Đỉnh cao, chẳng có một khiếm khuyết gì có thể nghi ngờ một khi đã thực sự thấu triệt nó. Nhưng rồi các nhánh tông phái mọc lên nhiều quá, người ta bắt đầu cần xây thêm nhiều Chùa, chiềng. Thế nên cần tiền. Thế nên lại bày ra nhiều “trò”. Thế nên có thêm “kinh doanh đạo Phật” thượng vàng hạ cám như ngày nay.

Thiền cũng thế, cái gốc rễ nhất của Đạo phật nguyên thuỷ, phương pháp Thiền Vipassana, phương pháp mà Đức Phật đã sử dụng để “giác ngộ” trong 49 ngày tu thiền dưới gốc cây Bồ Đề. Thế nhưng ngày nay mọc lên quá nhiều phương pháp thiền tập. Có nơi còn dạy thiền kiếm tiền. Có nơi lại tự ý mở ra những khoá Vipassana không phù hợp với tiêu chuẩn và cũng không được thừa nhận chính thức, họ vô tình tạo nghiệp mà không hay. Những điều ấy làm mất đi sự “thuần khiết” ban đầu của phương pháp này.

Về cơ bản, có hai kiểu thiền: một là “Thiền định”, tức là định được tâm. Còn lại là “Thiền Vipassana”, thiền thanh lọc tâm. Nói cho dễ hiểu, “thiền định” giống như ta làm cho mặt hồ đang gợn sóng trở nên phẳng lặng, thì ta quan sát mới nhìn thấy mình trên mặt nước, nhưng phía trên phẳng lặng, bên dưới rác rưới vẫn chất đầy. Còn “thiền lọc tâm” có tác dụng thanh lọc luôn cả những “rác rưởi” bên dưới đáy hồ. Cái thiền của Đức Phật là thiền thanh lọc tâm, thiền Vipassana.

Khi quay về gắn kết với cái gốc rễ, tôi cảm thầy vô tư khi nghe ai đó nói về phương pháp tu tập A B C cao siêu lắm, ghê gớm lắm, còn cái này chỉ là cơ bản. Không phải cơ bản, mà là gốc rễ, làm tốt cái gốc rễ còn mất cả đời.

Khi thiền thì chú ý đừng để rơi vào cái “siêu tôi”, tu mà tăng thêm tôi. Tức là tự thấy mình có thiền, có Phật nên cảm thấy “tự hào” và “hơn người”. Đó lại là một kiểu tham ái – ràng buột khác.

Người viết bài này viết về thiền, về Phật không phải cho thấy mình thanh cao. Người viết không thích dùng từ “Đạo đức” (theo bạn thế nào là đạo đức?) nên cũng chẳng thích nói chuyện “ra vẻ đạo đức” (nhưng cũng có người thật ra cũng không hiểu điều này ở tôi), và cũng từ chối không bao giờ tự dùng từ “tử tế” cho mình (Nhưng người viết không có gì là không ủng hộ những cá nhân, đơn vị khác dùng từ “tử tế”. Người viết chỉ thấy bản thân mình còn chưa xứng đáng với từ ấy), và nói thẳng người viết bài này cũng không phải “người tốt” vì bọn tốt là những bọn rất nguy hiểm. Người tốt thật sự không ý thức được mình là người tốt, còn bọn ngốc thì rất thích thể hiện mình là người tốt. Kể cả ý này cũng không có gì mâu thuẫn với việc “hãy lan toả lòng tốt trong xã hội” cả.

Vì thế, thiền 49 ngày không có lỗi. Ai phê phán nó vội vàng e rằng không có sự sâu sắc trong tư duy và suy nghĩ. Hoặc nếu có sâu, thì cũng sâu một cách rất phiến diện. Hãy trả đúng ý nghĩa và giá trị của Thiền.