Để Mắt Biếc vẫn luôn Biếc, mà không trở thành Mắt Bướng, và rồi sẽ là Mắt Buồn

Tình yêu của Ngạn cũng giống như nụ hôn trong khu rừng hoa sim, gần ngay trước mắt, nhưng lại không thể chạm đến.

Ở đây, “Mắt Biếc” khiến ta nhớ lại một điểm tương đồng với “The Great Gatsby” khi gã đại gia trẻ Gatsby cố nắm lấy ánh sáng màu xanh ngọc từ ngôi biệt thự lộng lẫy của Daisy. Gần ngay trước mắt, chỉ quơ tay nắm một cái là có trong lòng bàn tay, nhưng lại không thể bắt được… dù cả một đời cũng không bắt được ánh sáng đó.

Nhưng có một điểm khác biệt, khác với Gatsby, Ngạn chưa bao giờ thay đổi.

1. Ngạn

Ngạn tượng trưng cho những giá trị truyền thống, đến mức bảo thủ. Chúng ta “lên án” cậu ta vì quá ngu ngốc, quá nhút nhát, và rằng những cậu trai quá tốt và tử tế thì không thể có được tình yêu. Chúng ta đúng.

Chúng ta cũng cần hiểu một điều, Ngạn đã chứng kiến cô gái trong mơ của mình thay đổi. Cậu ấy đã tận mắt chứng kiến cái “thành thị” đó làm người con gái “Mắt Biếc” của mình từ tà áo dài thướt tha trở nên váy ngắn khoe chút da thịt, cậu ấy cũng nhìn thấy những “mặt tối” của xã hội thời “quái thai”, đang quá độ, ở trạng thái lưng chừng giữa cái cũ và cái mới. Cậu ấy đã đau xót khi “Mắt Biếc” tinh khôi tuyệt đối trong lòng mình cũng vì những thứ “tân thời” đó mà bụng mang dạ chửa, sắc thái nhợt nhạt, sống trong khu ổ chuột, bị bỏ rơi, và rồi trở thành một người đàn bà phóng túng hơn trong các mối quan hệ với đàn ông.

Tất cả như những mảnh pha lê vỡ vụn trong lòng Ngạn. Và khi Ngạn từ bỏ thành thị, quay về làng Đo Đo, lựa chọn những giá trị truyền thống, Ngạn có lý khi làm như vậy. Những trải nghiệm và cách nhìn nhận của Ngạn đã dẫn đến lựa chọn đó.

Bởi vì chúng ta thường thấy một hành vi nào đó vô lý, thậm chí không thể chấp nhận được, cho đến khi chúng ta đặt mình vào trong cùng bối cảnh đó, tình huống đó, cách nhìn nhận đó, chúng ta mới thấy suy nghĩ hay hành động đó thậm chí không hề vô lý, mà trái lại còn… vô cùng có lý, và vô cùng hợp lý.

Đó là một điều thú vị về con người và thế giới này. Thực tại chỉ là ảo ảnh, cách ta nhìn nhận về thực tại tạo ra thực tại.

Ta nói Ngạn không có tầm nhìn vượt ra nỗi mỗi cái làng Đo Đo. Nhưng đó là lựa chọn của Ngạn khi quay lại với những “giá trị cốt lõi” mà Ngạn cho là đúng. Cái làng Đo Đo tượng trưng cho “góc nhỏ tâm hồn” và là một biểu tượng cho giá trị cốt lõi đó. Vì thế ta mới có một anh giáo làng sẵn sàng từ bỏ vật chất để quay về dạy học cho trẻ em vùng sâu vùng xa.

Ta nói Ngạn không biết cưa gái, không hiểu “khách hàng mục tiêu” muốn gì, nhưng chính vì cậu ta như thế, chính vì lựa chọn như vậy, thì Ngạn mới là… Ngạn, nếu cậu ta trở nên khác đi, lựa chọn khác đi, và hành động khác đi, thì cậu ta đã là Dũng, là Trí, là Tuấn, hay là Tèo. Chính vì đó là Ngạn, nên ta mới có một tác phẩm có chiều sâu, khiến ta phải suy ngẫm.

Nhưng, trong thời đại 4.0 khi vật chất thừa mứa và các hành vi “điên rồ” diễn ra liên tục hàng ngày, thì phẩm chất thuần khiết đó lại có phần đáng quý, đó là phẩm chất của người mà cho dù có những giá trị vật chất hay thử thách niềm tin nào, thì người đó vẫn vững vàng không hề lung lây. Khác với “đại gia Gatsby” bị ám ảnh bởi quá khứ nghèo khó khiến mình mất đi người phụ nữ mình yêu thương, đã làm mọi cách để thay đổi và trở nên ám ảnh với viễn cảnh vật chất, giàu có, cái viễn cảnh mà anh ta không còn phải mất đi người mình thương một lần nào nữa. Ngạn, từ đầu đến cuối phim, dù có trải qua bao nhiêu chuyện đau lòng, vẫn vậy.

Vậy Ngạn làm như vậy có tốt không, có đúng đắn không? Câu trả lời vẫn là không, vì cậu ấy quá truyền thống, và quá truyền thống thì cũng gây ra những vấn đề như quá tân thời. Cậu ấy quá nghiêng về một thái cực. Và đó không thể là một lối sống đúng đắn dẫn đến hạnh phúc.

2. Hà Lan

Hà Lan tượng trưng cho những phẩm chất “thuần khiết” ban đầu của thiên tính bên trong con người, đã trở nên, thay vì dung hợp những gì tốt đẹp nhất, thì lại bị “biến dạng” đi trong quá trình “chơi và học” nơi “trường học” là hồng trần, với tần số rung động hơi thấp, và hẳn nhiên là đi kèm với những ám ảnh về vật chất. Chiếc Vespa đi ngang qua khi cô ngồi trên chiếc “xe đạp thơ” của Ngạn cũng giống như trái táo cấm trổ quả rực rỡ và vô vàn hấp dẫn trước mắt vậy. Trái táo ấy “hiện hình” rõ nét hơn và thơm ngon hơn nữa qua tiếng nẹt pô và vóc dáng con xe của Dũng.

Tại sao lại nói là biến dạng? Thì chúng ta cứ nhìn vào kết cục của lối sống mà Hà Lan đã chọn, để xem cô ấy có thực sự hạnh phúc?

Mắt Biếc, sau những tổn thương và tan hoang, đã trở thành một người đàn bà có phần bất cần, không còn tin những lời ngon ngọt từ đàn ông là sự thật nhưng vẫn muốn được nghe và nhận những lời nói đó mỗi ngày. Nàng biết là không thật, nhưng nghe vẫn bùi tai, và vẫn chấp nhận nương tựa vào cảm xúc từ những điều không thật ấy. Nàng khiến cho đàn ông tin là mình tin vào những điều ấy (thích thì có thích, nhưng tin thì không tin), chẳng khác gì cuộc chơi của những kẻ vờn nhau, và khoái cảm sinh ra từ điều đó. Với nàng, niềm tin bên trong thì thực ra không còn, nhưng vẫn lựa chọn lao vào “cuộc vui” như một kẻ “nhẹ dạ” trước đàn ông. Nàng chấp nhận vừa là “hung thủ” vừa là “nạn nhân”. Nàng lao vào vật chất, vì có còn gì nữa đâu, làng Đo Đo tượng trưng cho giá trị tinh thần mà nàng đã vứt bỏ, những hôm phải về làng là một cực hình đối với nàng.

Trong thâm tâm, nàng cho rằng mình không xứng đáng với hạnh phúc, và nàng tiếp tục “đạo điễn” thực tại cho cuộc đời mình trở nên vô cùng hợp lý với cách nhìn nhận đó.

Không có gì nhiều để nói về Hà Lan, vì những thông điệp mà nhân vật này truyền tải là rất rõ ràng. Cũng vì thế, chỉ cần nói về Ngạn và Hà Lan mà không cần thảo luận chi tiết về bất cứ nhân vật nào khác (kể cả Hồng dù cô ấy có phần thật đáng thương), vì tất cả những nhân vật khác chỉ góp phần làm nổi bật sự tương phản, vừa tương đồng lại vừa khác biệt, giữa hai nhân vật là Ngạn và Hà Lan. Đó cũng là sự tương phản giữa tinh thần và vật chất.

3. Tinh thần, Vật chất, và Ký ức

Nếu như Ngạn có phần tượng trưng cho “tinh thần” và Hà Lan có phần tượng trưng cho “vật chất”, thì thật ra, cả hai, đều chỉ là những “nạn nhân” của Ký ức. Họ đều chỉ là những “tù nhân” đang bị cầm tù trong chính cái “nhà tù” tâm thức mà họ tạo ra cho mình.

Với Hà Lan, ký ức về chuyện “ăn cơm trước kẻng”, có bầu, rồi bị bỏ rơi, khiến cô tự dằn vặt và không bao giờ có thể tha thứ cho chính mình. Chưa kể, ký ức của Hà Lan còn bị ảnh hưởng bởi ký ức của mẹ cô, cũng là một người bị tổn thương, bị bỏ rơi, nghĩ rằng mình không thể xứng đáng với bất kỳ người đàn ông tốt nào, và bà tiếp tục lan truyền ký ức niềm tin này cho con gái mình. Cô không bao giờ cho phép mình hạnh phúc. Nên cô không bao giờ cho phép mình rung động trước tình yêu của Ngạn. Cô lao mình vào những mối quan hệ mới, vì Ngạn chỉ tượng trưng cho những điều cô muốn quên đi. Khi vật chất muốn quên đi tinh thần, vật chất sẽ đạt được một chút thành tựu tạm thời, nhưng khi quay lại đối diện với tinh thần, cũng là đối diện với sự thật bên trong mình, vật chất sẽ thường có cảm giác tội lỗi, và ở đây thì có hai lựa chọn, một là chấp nhận đi sâu vào tổn thương đó để chữa lành, hai là tiếp tục cho qua, tìm kiếm cái thú vị mới, gói ghém ký ức đó lại chôn sâu trong lòng để rồi một lúc nào đó nó lại vỡ toang ra và ta nhận ra số phận cuộc đời ta chỉ bị lèo lái và kiểm soát bởi những ký ức tổn thương đó, không hơn không kém.

Với Ngạn, đó là ký ức về làng Đo Đo như một sự “bám víu” trước tất cả những gì đang xẩy ra trước mắt mình. Đó là tất cả những gì tốt đẹp đều chỉ có ở làng Đo Đo. Ta phê phán Ngạn không dám tỏ tình, thật ra Ngạn đã rất quyết tâm tỏ tình, có điều “lỡ thì” rồi, Hà Lan có bầu rồi, Ngạn lại chỉ có thể chôn dấu trong lòng vì yêu, vì thương, mà không muốn Hà Lan rối tâm hơn nữa. Để rồi, Ngạn phủ nhận vật chất, và chỉ quay về tinh thần, quay về cái làng Đo Đo. Khi tinh thần phủ nhận vật chất, tinh thần dễ rơi vào kiếp sống như thầy tu, có tâm lý ở ẩn, xa lánh thế gian, tu tập một mình cho nhanh, nhưng lại rơi vào sự đè nén. Và dù rằng điều đó là cần thiết, thì đó cũng chỉ là một bước, bước tiếp theo là sự hoà hợp thực sự trong đời sống gia đình, đời sống thường ngày, để gia tốc quá trình “thăng cấp” của mình hơn nữa. Ngạn chính vì trốn tránh và bị kiểm soát, bị đè nén bởi Ký ức Đo Đo, mọi thứ bên trong anh thực sự cũng không ổn, nên cuối phim, anh trốn chạy, bỏ trốn khỏi làng Đo Đo, điều đó cũng giống như anh muốn bỏ trốn khỏi Ký ức của mình. Điều gì sẽ xẩy ra sau đoạn kết phim khi anh rời bỏ Đo Đo trên chuyến xe lửa đó? Ngạn chắc chắn cũng vẫn không hạnh phúc. Vì anh có thể rời làng Đo Đo, nhưng nếu không làm việc với chính mình, anh không bao giờ “rời bỏ” nỗi Ký ức bên trong mình. Ngạn, thật ra cũng không khác gì Hà Lan, đều là những “nạn nhân” bị mắc kẹt và tìm cách phản kháng, trốn chạy khỏi Ký ức của mình, để rồi không thể hạnh phúc thực sự, bình an thực sự.

Vật chất rất quan trọng, tâm linh thật sự không phải là không có vật chất, mà là có tất cả và vượt lên trên, hay đi xuyên qua vật chất. Vì thế giới vật chất là sự phản chiếu của thế giới tinh thần. Nên mục đích của mọi mục đích là sự hôn phối và hoà hợp thực sự giữa tinh thần và vật chất. Chúng ta học hỏi thêm, giáo dục thêm, tiến hoá thêm, cũng để đạt được mục đích này trên chặng đường tiến hoá của loài người. Khoa học và tâm linh là một. Vật chất và tinh thần sống cuộc đời “hôn nhân hạnh phúc” với nhau cũng là đích đến của xã hội, để không còn mắc lại những sai lầm cũ, để có thể hạnh phúc thực sự và thịnh vượng thực sự.

Để Mắt Biếc vẫn luôn Biếc, mà không trở thành Mắt Bướng, và rồi sẽ là Mắt Buồn.

P.S: Bài viết dựa trên tác phẩm điện ảnh “Mắt Biếc”, không phải truyện “Mắt Biếc”.

P.S.2:

Tác phẩm “Mắt Biếc” thành công vì sâu xa bên trong kịch bản của nó, cho thấy thứ “tâm thức” đang thực sự diễn ra ngoài xã hội. Sự thất bại trong chuyện tình giữa Ngạn và Hà Lan cũng tượng trưng cho sự cố gắng hợp nhất nhưng chưa thành công trọn vẹn, trong cuộc hôn phối giữa tinh thần và vật chất trong xã hội mấy mươi năm qua. Vì nó phản ánh tâm thức xã hội, và đó cũng là tâm thức của chúng ta, nên ta thấy một phần, cho dù to hay nhỏ của mình trong đó, và đó là một trong những lý do giúp “Mắt Biếc” thành công.