Ethan & “Phận làm đờn ông”

Ethan Hunt đã vượt qua 6 cái điệp vụ bất khả thi rồi, gương mặt của anh đã để lộ sự mệt mỏi, mắt lúc nào cũng phải quan sát và phân tích, từng tế bào trong cơ thể luôn trong trạng thái cảnh giác cao độ, tinh thần ở trên đỉnh cao của sự căng thẳng. Lúc nào cũng là giải cứu thế giới, trong âm thầm lặng lẽ. Cứ như vắng Ethan một ngày thì mọi lời tiên tri về ngày tận thế sẽ trở thành sự thật. Oằn mình gánh trách nhiệm bất khả thi và còn… (kéo dài) bất tận trên vai, Ethan cứ liên tục chiến đấu, tổn thương, rồi lại chiến đấu, chạy về phía trước, nhảy qua chướng ngại vật, thương tổn, rồi lại tiến về phía trước, trên tay lúc là khẩu súng lục, khi là súng phóng lựu, lắm lúc là chiếc dao găm, có khi có gì dùng nấy, có búa dùng búa, có tay không thì chơi tay không. Người ta cứ thấy Ethan đu mình trên những toà nhà cao tầng, nhảy qua các mái ngói, lái xe mô tô phân khối lớn, săn đuổi (hay trốn chạy) trên ô tô bất chấp giao thông hỗn loạn, nhảy dù từ hàng nghìn mét, mới đây anh còn lái cả trực thăng và có công phá hỏng hai chiếc. Lắm lúc người xem (là tôi) cứ nghĩ “Hay là đạo diễn cứ kệ bọn fan và nhà đầu tư, cho Ethan chết mie nó đi”. Vì như thế, lúc nhắm mắt, cuối cùng thì Ethan cũng đã có thể nghỉ ngơi được rồi.

Cuối film, Ethan gặp lại cô vợ cũ. Anh vừa giải cứu thế giới xong, lại nằm trên giường chờ ngày ra viện. Cô vợ cũ thỏ thẻ vào tai anh “Nhờ anh em mới có cuộc sống ngày hôm nay. Em rất hạnh phúc. Cám ơn anh” rồi bỏ đi. Hẳn nhiên cả hai đều có những cái khó riêng. Nhiều người xem đến đây gào lên “Thế anh ấy cân cả thế giới là để bảo vệ ai?”. Tôi cảm thấy bình thường, đó vẫn là một cảnh rất đẹp và xúc cảm của bộ phim.

Sự “nghiêm trọng” trong sứ mệnh của Ethan, nếu không phải giải cứu thế giới mà thu nhỏ hơn (có thể cũng chỉ là một chút thôi), cũng giống như “số phận” của người đàn ông trong xã hội ngày nay. Có thể đọc đến đây bạn sẽ cười. Vì cái bọn đàn ông sướng chết cha có gì mà phải “phận làm đờn ông”.

Hàng ngày chúng ta được “bơm” rất nhiều câu chuyện về đàn ông tệ bạc, chồng bỏ đi chơi với gái, vũ phu, bạo hành, bất bình đẳng giới tính, trọng nam khinh nữ, vân vân và mây mây. Các câu chuyện này, khoan vội bàn nó được “bơm” bởi những người có tư duy nạn nhân, và được góp phần mắm muối bởi những người mà thời gian nhiều nhất họ “cống hiến” cho cuộc sống này là đi buôn chuyện của người khác hay không, hay chúng có phải toàn diện của sự thật hay chưa, hay ta cũng chưa phân tích vội góc độ tâm lý của những người có hành xử trên vì sao họ phải làm như vậy thì mới cảm thấy “mình ổn”, rõ ràng, các câu chuyện này có tính rating cao, hút view và kích động cảm xúc thù hận của đám đông. Mà đám đông thì lúc nào cũng “phi lý”.

Thế giới và xã hội vẫn luôn “dán nhãn” đàn ông thì phải mạnh mẽ, phải trưởng thành, là đàn ông thì không được khóc. Khi đàn ông được đối xử thiên vị, xã hội lôi câu chuyện “bình đẳng giới” ra nói chuyện với đàn ông. Còn khi đàn ông bị đối xử “bất công”, người ta chỉ tặc lưỡi: “Đàn ông mà, đàn ông thì phải thế, ráng chịu đi”, và trả cả hai giới quay trở lại với trạng thái trước khi có bình đẳng giới. Những câu chuyện bạo hành, tổn thương của phụ nữ đã có rất nhiều, và trước hết tôi muốn nói rằng có nhiều câu chuyện hoàn toàn xứng đáng được quan tâm và là bài học cho nhiều người phụ nữ khác. Nhưng những tổn thương của đàn ông lại ít được chú ý đến, khi “phái mạnh” cứ luôn phải tỏ ra mạnh mẽ, họ nhẫn nhục ngoài xã hội, chịu những áp lực dồn nén trong từng thớ thịt của mình, gia đình lại không phải là nơi họ có thể trút được những gánh nặng đó, có thể vì do cách họ giao tiếp, có thể vì họ không muốn người thân của mình lo lắng, có thể vì họ thấy mình không được thấu hiểu. Họ tìm cách giải toả qua những cuộc vui như những chầu nhậu, và khi được nhìn vào, những đánh giá về họ chỉ là “đi nhậu sướng chết cha”. Tổn thương chồng chất tổn thương. Sự trống rỗng trong tâm hồn mỗi lúc được khoét sâu. Bất hoà và hiểu nhầm mỗi lúc được gia tăng. Đàn ông như Ethan Hunt, chỉ còn là những cái xác không hồn, chiến đấu như con rối, bị giựt dây bởi một “lý tưởng” mà càng lúc họ càng thấy mình bị đẩy ra xa khỏi nó. Để rồi họ phải thốt lên “Tôi chiến đấu vì điều gì? Tôi nỗ lực bên ngoài là vì ai?”.

Dường như không ai “bảo vệ” đàn ông cả. Họ không biết cách tự vận hành bản thân mình. Dẫn đến không chỉ phụ nữ, đàn ông cũng tiếp tục “chịu đựng”, có điều họ chịu đựng theo cách của họ. Tôi biết một người đàn ông sau khi li dị vợ, sống xa con trai nửa vòng trái đất, cái hố mà anh ta đang ở trong đó ngày một lún sâu hơn, vấn đề là không ai kéo anh ta lên được cả, anh ta không chịu tự giúp chính mình, anh ta vẫn tin rằng mình không xứng đáng được hạnh phúc, để tìm đến sự giải toả, anh ta tìm đến một sự nghiện ngập cảm giác khác mà ở đây là cờ bạc. Số nợ mà anh ta nghiện chỉ có vài chục triệu thôi, nhưng nó đã diễn ra quá nhiều lần đến nỗi người thân của anh ta không ai còn tin anh ta cả. Khi chúng ta còn ít nhất 1 người không từ bỏ mình thì ta sẽ còn có thể nuôi dưỡng niềm hy vọng. Ở đây không còn ai có đủ dũng khí tin anh ta nữa cả. Anh ta đi đến giải pháp cuối cùng mà anh ta biết: tự tử. Người thân của anh ta không có lỗi, vì người cuối cùng không được từ bỏ mình cần là bản thân mình. Anh ta chỉ đơn giản là không biết cách. Tôi đã ước rằng nếu như anh ta theo một chương trình giáo dục nào đó của chúng tôi và thay đổi bản thân mình, anh ấy sẽ chưa bao giờ phải tự vẫn. Đó là lúc tôi nhận ra sức mạnh to lớn của những chương trình đào tạo tuyệt vời thật sự. Đó cũng là động lực để tôi tiếp tục làm giáo dục.

Tôi muốn tránh gây hiểu nhầm. Sự thật là vẫn có rất nhiều phụ nữ bị đối xử bất công. Song theo kinh nghiệm làm chủ tịch chi hội nhiều hiệp hội & liên đoàn doanh nhân lớn của tôi, trong chi hội thường có đến khoảng 40% là nữ. Trong khi đi qua mấy chi hội ở Nhật, Hàn tôi thấy chỉ có 1,2 người nữ. Xét ra, tỷ lệ sếp là nữ ở Việt Nam lên đến 25% theo BCG, nên nhớ Singapore chỉ 10% còn Indo chỉ 6%, của ta thuộc nhóm cao nhất cả Châu Á. Thế thì Việt Nam bình đẳng giới chưa? Có lẽ chưa song vẫn nên có những tiếng nói công bằng cho cả đàn ông lẫn phụ nữ, hãy đồng cảm với cả hai. Nếu nói cho vui, hiếm quốc gia nào có số lượng câu chuyện cười “sợ vợ” nhiều hơn Việt Nam.

Ethan ơi, đôi khi tất cả những gì mà anh cần làm là tự nói với chính mình: “Kệ mẹ thế giới, tao đéo quan tâm nữa, bây giờ tao phải lo cho bản thân mình”.

Nếu Ethan không hiểu tiếng Việt. Ok here: “I don’t fucking care about this fucking world anymore. The most important thing now is healing and taking good care of myself, Ethan”.