Khép lại hai huyền thoại

Avengers: Endgame giống như một tác phẩm không chỉ hoành tráng, mà còn có những chi tiết vô cùng tinh tế và đầy chất nghệ thuật. Những ai đã dõi theo và yêu mến vũ trụ điện ảnh MCU hơn 10 năm qua sẽ dễ dàng cảm nhận được. Còn những người đi xem dạng “phong trào” khó mà có sự đánh giá công bằng về bộ phim, dù là họ không bao giờ sai với những nhận xét của mình. Mọi thứ chỉ là tương đối. Cũng giống như một chương trình đào tạo, có người chuyển hoá vô cùng sâu sắc và đánh giá rất cao về khoá học sau chương trình, nhưng những người nghe và đọc đánh giá đó vẫn không cảm được mấy về khoá học mà chỉ tặc lưỡi “có gì mà ghê gớm thế”. Tất cả chỉ là nghiệp cảm của bản thân.

MCU đã cống hiến cho giới mộ điệu hơn một thập kỷ và mở ra một kỷ nguyên cho dòng phim siêu anh hùng. Endgame là lời tri ân cho chu kỳ đã qua, cho những nhân vật, diễn viên, mồ hôi công sức lao động nghệ thuật nghiêm túc của tất cả những ai tham gia vào dự án. Một lời cám ơn thật ngọt ngào và trọn vẹn. Mà trong đó có hai “huyền thoại” là Iron Man (Tony) và Captain America (Steve).

Tất nhiên là họ không ưa nhau, vì sự khác biệt từ trong tính cách. Tony là một “Product Guy” đầy nổi loạn. Còn Captain là một “Equalizer” giữ sự cân bằng cho đội nhóm. Cả hai đều có thể làm Leader, nhưng theo hai phong cách khác nhau.

Tony cá tính vì phải đột phá, phải “Innovate” và như một “Game-changer” đầy phá bĩnh. Steve không có cá tính nỗi loạn vì “cá tính” đôi khi là một từ không phù hợp với nhà lãnh đạo, nhiệm vụ của bạn là khiến cho con thuyền đến đích chứ không phải là thể hiện mình như một ngôi sao nhạc Rock bất trị. Vì thế mà nếu hiểu về Leadership ta sẽ hiểu vì sao trông “bất tài” như Đường Tăng thật ra là một good leader. Vì thế mà Captain vẫn được tôn trọng như trưởng nhóm (và tất nhiên cũng vì anh… già nhất, là First Avenger). Cũng vì thế, Tony không thể điều hành Stark Industries mà cần giao lại cho vợ mình làm công tác quản trị.

Họ đều là “người được chọn”.

Captain không trở thành siêu anh hùng do một “tai nạn”. Anh không tình cờ bị nhện cắn, hay bị con gì đốt, hoặc bị nguồn năng lượng nào hấp thụ vào người, hay được sinh ra vốn sẵn là một vị thần, để rồi phải “thích nghi” với điều đó, và ĐM (Định mệnh) thật, phải học cách chấp nhận “Quyền lực càng cao, Trách nhiệm càng lớn”. Anh trở thành siêu anh hùng vì ý chí và lựa chọn của mình. Trước khi trở thành Captain, Steve Rogers đã có mong muốn được phụng sự cho xã hội, và anh nắm giữ lựa chọn đó, anh xung phong được tiêm huyết thanh vào người. Sau khi là Captain, ý chí đó vẫn nguyên vẹn không có gì thay đổi hay làm lay chuyển được. Chàng thanh niên ốm yếu Steve vì thế trở thành niềm hy vọng vì sự nhất quán, trước sau như một không hề thay lòng đổi dạ. Và quả thật, khi quyền lực được trao cho người yếu thế, trong trường hợp này, lại càng được trân trọng so với kẻ mạnh vốn đã quen sử dụng quyền lực bừa bãi. Trong 23 tập phim, Steve mãi mãi là biểu tượng của “chính nghĩa”. Khi tất cả các siêu anh hùng khác thảm bại, chỉ còn Steve, sau khi dùng hết bài với cây búa thần, bị đập tơi tả, một mình anh vẫn đứng dậy đối diện với Thanos cùng quân đoàn thiện chiến của hắn, chấp nhận cái chết, siết chặt khiên và tiến về phía trước với dũng khí của một người không màng đến bản thân mình, và đối diện với “cái ác”. Đó là Leader, là người đại diện cho Lý tưởng chung của các siêu anh hùng.

Tony không lựa chọn trở thành siêu anh hùng, cũng không chấp nhận số phận xẩy đến với mình, nhưng anh đã sáng tạo ra định mệnh đó. Đứng trước tử thần, Tony đã tìm ra giải pháp cho sinh mạng của chính mình. Nếu không chế tạo ra bộ giáp vào lúc đó, anh sẽ chết. Cái gốc để bắt đầu tất cả mọi chuyện, với Tony, là chính bản thân mình. Mình phải sống. Mình phải thoát ra khỏi đây. Vì tự tạo ra định mệnh cho mình, Tony không có gì phải che giấu thân phận thật sự, rất tự tin, anh nói “I am Iron Man”, câu nói đầu tiên và cuối cùng kết thúc sứ mệnh của anh. Và Hành trình giữa hai câu nói đó như chúng ta đã biết, đó là sự chuyển hoá từ một tỷ phú Playboy, trở thành một biểu tượng vĩ đại lăn xả vì điều tốt đẹp cho nhân loại, dù cái chất “Playboy” vẫn còn, nhưng Iron Man, sau cú búng tay của mình, sau sự hy sinh để cứu cả vũ trụ, đã trở thành người vĩ đại nhất. Người bắt đầu sẽ là người khép lại một kỷ nguyên tuyệt vời của các siêu anh hùng.

Vũ khí của Captain chỉ là một chiếc khiên không thể bị phá huỷ (cho đến khi gặp Thanos), đó là một thông điệp về hoà bình, về trách nhiệm sử dụng sức mạnh, về việc bảo vệ những người mình yêu quý cũng như những giá trị mà mình tin tưởng. Tương tự, Tony cũng bị ám ảnh về hoà bình. Ngay sau khi thoát chết, Tony đã tuyên bố không tiếp tục bán vũ khí cho các quốc gia khác.

Trong suốt 23 tập phim, chúng ta chỉ thấy Tony cười 1 lần duy nhất, đó là lần đầu tiên anh tự do bay trên không trung với bộ giáp Iron Man. Steve cũng vậy, khó mà nhớ ra anh còn cười hạnh phúc thêm một lần nào trừ khoảnh khắc ở trong vòng tay của Peggy và những đồng đội xung quanh. Nghề siêu anh hùng phải chăng là vậy? Rõ ràng, họ đã hy sinh rất nhiều và đã đến lúc chúng ta cho phép họ được nghỉ ngơi. Theo hai cách khác nhau.

Steve đại diện cho tinh thần Vị nhân sinh. Anh mãi sống vì người khác, chưa bao giờ không xứng đáng với lý tưởng của mình. Captain America là một “biểu tượng” hơn là một “cá nhân”. Chiếc khiên trao vào tay ai, người đó sẽ là Captain tiếp theo.

Tony đại diện cho sự Vị kỷ. Anh bắt đầu mọi chuyện để giữ mạng sống của mình trước đã. Anh là Iron Man, Iron Man là anh. Nên anh mới tuyên bố “I am Iron Man”. Iron Man không phải là một “biểu tượng”, mà nó là một “cá nhân”, nó chính là Tony. Tony chết, đó sẽ là một thế giới không còn có Iron Man. Như cha anh từng nói về đứa con trai khi sinh ra sẽ rất giống mình, rằng “Hiếm khi nào Đại nghĩa vượt qua được Lợi ích của cá nhân tôi”.

Thế nhưng, nếu chỉ Vị nhân sinh mà thiếu đi sự Vị kỷ, đôi khi đó là sự thao túng, bắt người khác phải luôn hy sinh cho tập thể, khiến họ không thể là những con người của tự do. Điều đó gây ra đổ máu và đi ngược lại với những giá trị về Tự do và Nhân quyền của thời đại mới.

Còn nếu chỉ Vị kỷ mà thiếu đi Vị nhân sinh thì dễ cực đoan. Cuối cùng sống với cái tôi khổng lồ. Mỗi ngưởi chỉ quan tâm đến bản thân mình. Cái tối ưu cục bộ không dẫn đến mà còn phá huỷ cái tối ưu toàn phần.

Vì thế, Vị kỷ cần Vị nhân sinh và ngược lại. Steve cần Tony và ngược lại. Iron Man học từ Captain và ngược lại. Họ bổ sung và hoàn thiện lẫn nhau. Đó là con đường trung đạo.

Cái kết của hai nhân vật này là minh chứng rõ rệt nhất cho tinh thần đó.

Tony, từ chỗ chỉ vì bản thân mình, đã đặt một dấu chấm hết cho Iron Man, và cho toàn bộ dã tâm của Thanos, bằng cú búng tay xả thân vì người khác. EndGame. Tony đã kịp trở thành một “biểu tượng”, giá trị mà Iron Man để lại sẽ vẫn tiếp tục, ít nhất là bên trong “đệ tử” Spider Man. Kẻ vị kỷ đã chết như một người vị nhân sinh.

Steve, từ chỗ luôn sống vì lý tưởng cho tập thể, xã hội, anh hy sinh mọi thứ của cá nhân anh cho cộng đồng này. Đã “làm theo lời khuyên của Tony”, anh đã nghỉ ngơi theo cách của mình, anh đã ở lại quá khứ, ở bên cạnh và kết hôn với người yêu của cả cuộc đời anh Peggy, anh sống vì chính mình, anh đã thực sự có một gia đình trọn vẹn, một cuộc sống hạnh phúc, và “ông lão” Steve Rogers đã mỉm cười ở kết thúc cuối cùng. Anh đã “trả” được The Last Dance cho người phụ nữ của mình, thực hiện được “lời hứa… gần trăm năm”. Sẽ rất lâu nữa fan mới lại được nghe “Avengers Assemble” một cách hùng hồn như thế. Người vị nhân sinh đã kết thúc sứ mệnh với phẩm chất của một người vị kỷ.

Captain America và Iron Man, họ là hai huyền thoại, họ hoàn thiện lẫn nhau, kết thúc bằng phẩm chất của nhau. Và hai thuyền thoại khép lại thật trọn vẹn. “Cá nhân” Tony Stark đã chết và để lại một “biểu tượng” Iron Man cho hậu thế. “Biểu tượng” Captain America đã buông bỏ, chuyển giao cho người khác, để “cá nhân” Steve Rogers có thể sống cuộc đời hạnh phúc của chính mình. Nếu may mắn, chúng ta sẽ gặp lại Steve trong một bộ film kể về “Untold Story” khi Steve mang các viên đá vô cực trả về quá khứ (và lý giải vì sao anh lại nhảy được vào dòng thời gian này ngồi thanh thản trên chiếc ghế đá đó). Còn Tony, ta có thể sẽ gặp lại anh khi anh thay thế Red Skull canh giữ viên đá linh hồn tại Vomir. Còn bây giờ. End Game.

Phải rồi, “Kết thúc là một phần của Hành Trình”, hành trình đó tràn ngập sức mạnh quả cảm của tình yêu thương “I love you 3000”, và The Last Dance đã trở thành The Last Scene.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *