Light Charity và câu chuyện sáng lập

Tôi vẫn nhớ khi mình ghé Tây Nguyên thăm cộng đồng học viên, doanh nhân tại Đắk Lắk. Khi đó tôi phát tâm muốn làm từ thiện cho trẻ em. Vì tôi có con nhỏ. Và tôi nghĩ rằng nếu bây giờ mình giúp đỡ những cháu bé khác, thì con mình sau này cũng sẽ nhận được nhiều sự trợ giúp từ những người khác trên đường đời. Con tôi sẽ phải đứng trên đôi chân của nó, nhưng trong cuộc sống này không có ai sống mà không làm phiền người khác, chuyện đó không thực tế. Tất cả chúng ta đều phải sống và đều phải “làm phiền” một ai đó. Hãy vui vẻ cũng như biết ơn vì điều này. Nên việc “gieo hạt” thành tâm lúc này nếu như có thể mang lại đôi chút nhân duyên hỗ trợ cho con mình sau này, thì tôi rất sẵn lòng. Vì tôi biết chúng đều sẽ có những sứ mệnh giúp cho cuộc đời này. Động lực của tôi đơn thuần là vì bản thân và gia đình của mình, không có gì là vĩ đại cả.

Vậy nên tôi hỏi các doanh nhân học viên của mình là “Làm sao để làm từ thiện bền vững giúp đỡ trẻ em ở Tây Nguyên này?”. Và câu hỏi chính là câu trả lời. Một học viên của tôi đứng lên nói rằng “Thưa thầy, em biết một vài trường hợp”. Tôi đáp “Thật tốt, vậy thì sáng mai hãy lên đường ghé thăm những cháu bé ấy”. Tôi cần phải nhìn tận mắt và nghe tận tai, vào tận nhà, và nói chuyện tận miệng với những cháu bé đó cũng như phụ huynh của chúng.

Sáng hôm sau, anh ấy lái xe chở tôi và một vài bạn học viên khác cũng muốn đi cùng. Anh nói với tôi rằng, sở dĩ anh có niềm tin tôi sẽ làm được, là vì tôi không hỏi những cháu bé ấy ở đâu, mà chỉ cần biết là đi ngay, không quan tâm xa hay gần, biết có người cần giúp là hành động. Tôi cũng không để ý đến chi tiết đó lắm. Tôi chỉ nghĩ rằng nếu đến lúc thì mình cần phải hành động để đảm bảo mọi thứ đi đúng lộ trình cần thiết của nó.

Vậy là chúng tôi ghé thăm đến tận 4 cháu bé, 4 hoàn cảnh, 4 gia đình. Trong đấy có 3 bé gái và 1 bé trai. Điểm chung của tất cả các bé là do nhiều yếu tố, bao gồm cả môi trường sống tại địa phương, mà tất cả đều mắc một căn bệnh quái ác: Ung thư máu.

Tôi trò chuyện với từng bé, hỏi thăm cả một thứ có vẻ xa xỉ với chúng: “Ước mơ của con là gì?”. Chúng tôi nói chuyện với từng phụ huynh để hiểu về gia cảnh và quan điểm của họ về việc chữa trị cho con mình. Có gia đình, khi bé ngồi đó, phụ huynh đã “kể khổ” nhiều hơn, đem con ra để người khác hiểu cho hoàn cảnh của mình. Tất nhiên họ đang yếu thế về tài chính, họ không biết điểm tựa của mình là gì, họ dựa vào bất cứ nơi đâu có thể, tôi hoàn toàn cảm thông và không có gì chê trách họ về điều đó. Chỉ là, đứa bé ngồi đó, tôi thấy ánh mắt nó thoáng buồn, như thể “Con là một sự rắc rối cho ba mẹ và gia đình mình”. Điều đó sẽ đi vào tiềm thức và ảnh hưởng đến số phận sau này của nó. Vì thế, tôi thích những bậc phụ huynh nào chia sẻ tích cực khi có con mình ở đó, và chỉ kể rõ hoàn cảnh khó khăn khi bé đã ra ngoài sân chơi đùa. Đó cũng là điều tôi muốn góp ý với các gia đình.

Có cháu, chúng tôi không gặp được tại nhà. Vốn dĩ kiên trì, chúng tôi tới tận trường, vào tận lớp để tìm bé, trò chuyện với con. Và vì thế, tôi có mấy phút làm “thầy giáo bất đắc dĩ” cho mấy em mầm non. Hình như là chia sẻ một cái gì đó, những nội dung tôi chia sẻ thường là rút từ ruột gan, và nói điều mà trực giác mình thấy là người nghe cần nghe điều đó nhất, chứ không có sự chuẩn bị nội dung từ trước, nên tôi thường không nhớ được những gì mình đã chia sẻ ngẫu hứng. À, hình như có bắt nhịp hát một bài nữa :- )

Ban đầu, tôi chỉ định hỗ trợ 3 bé gái, vì tôi có con gái. Nhưng có duyên gặp 1 bé trai. Cuối cùng, tôi quyết định hỗ trợ luôn cả 4 bé mình được gặp, tôi sẽ chi trả toàn bộ chi phí y tế và chữa bệnh cho cả 4 em. Thật ra, chuyện này xẩy ra đã lâu, nhưng tôi chưa từng kể công khai. Tôi vẫn âm thầm làm. Với tôi, làm từ thiện âm thầm, hay làm công khai để lan toả hoặc để win-win gì đó, miễn là thực sự có người được giúp, có giá trị thực được tạo ra, thì đều tốt cả. Lần này, tôi làm âm thầm. Vì mình làm 10 việc, nói ra 2-3 việc là tốt rồi, nói đến việc thứ 4 người ta bắt đầu nghĩ mình khoe khoang, còn nói đến việc thứ 5 là người ta không tin và bảo mình chém gió rồi. Bây giờ tôi chia sẻ là vì có việc cần bạn chung tay cùng tôi.

Sau đó về nhà, chúng tôi lập ra Light Charity – Từ thiện Ánh sáng, để hỗ trợ các bệnh nhi ung thư máu trên toàn quốc một cách có tính hệ thống hơn. Hoạt động theo “tiêu chuẩn” CSR, chúng tôi tạo ra một dự án gây quỹ khá thú vị, gọi là Light One. Đối tượng giúp đỡ cuối cùng là bệnh nhi máu trắng. Mô hình là: Ai cũng có quần áo cũ. Cái người này không cần là cái người khác cần. Nên Light One thu gom quần áo cũ quyên góp, rồi tổ chức định kỳ những ngày hội Light Day để bán quần áo cũ với giá tượng trưng 2.000 đồng/ chiếc. Tại sao không cho luôn? Vì người nghèo cũng có lòng tự trọng, và “cho luôn” là một thông điệp sai về lòng giúp đỡ. Bán, nhưng bán tượng trưng. Như thế cả người nghèo cũng có thể gây quỹ giúp cho bệnh nhi và lan toả được lòng tốt của mình. Toàn bộ tiền gây được hướng đến đối tượng thụ hưởng cuối là bệnh nhi ung thư máu. Cách làm này gây quỹ cũng tốt. Số tiền được kiểm soát và báo cáo minh bạch, với sự xác nhận của sao kê ngân hàng. Cho đến nay, đã có 20 bé ung thư máu trên toàn quốc được hỗ trợ toàn bộ chi phí y tế chữa bệnh rồi, quỹ được bảo vệ để sự hỗ trợ tiếp diễn trong vài năm nữa. Có 20 gia đình trên khắp cả nước sẽ không phải lo lắng về tài chính thêm một vài năm.

“Light One: Quần áo yêu thương” vẫn đang tiếp tục và chúng tôi lại sáng tạo tiếp ra “Light Two: Xây trường cho em”. Và đây là dự án tôi cần bạn cùng tham gia! Chúng ta sẽ xây trường cho trẻ em nghèo vùng sâu vùng xa bằng mô hình Crowdfunding!

“Light Two: Xây trường cho em” là dự án được thành lập với mục tiêu thúc đẩy giáo dục tại những vùng sâu vùng xa thông qua việc tái thiết kế, sửa chữa và nâng cấp cơ sở vật chất cho các điểm trường còn khó khăn.

Địa điểm xây trường đầu tiên sẽ là tại xã Sơn Bao, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi.

Vì cơ chế còn nhiều bất cập, những vấn đề có yếu tố trì trệ như y tế, giáo dục chúng ta không thể cứ ngồi đó chờ nhà nước giải quyết mà phải chủ động, dấn thân và trở thành tác nhân của sự thay đổi mà mình muốn nhìn thấy trong xã hội này.

Chính quyền huyện Sơn Hà sẽ đối ứng 15% tài chính. Phụ huynh của các học sinh sẽ đóng góp mỗi người 3 ngày công lao động như là thợ phụ.

Mục tiêu huy động sẽ là 5.000 bao xi măng/ hoặc 100.000 viên gạch (500 triệu đồng). Light 2 chưa chính thức truyền thông nhưng đã có 125/500 triệu được đóng góp.

Mời bạn cùng tôi tạo ra một sự khác biệt, mang đến thay đổi tích cực trong cộng đồng!

Chúng tôi đã thiết kế một cơ chế Crowdfunding cho dự án tại đây, mời bạn cùng đóng góp tài trợ: http://lightcharity.com/xay-truong-cho-em/

Các mức tài trợ: Gói A: < 10 bao xi măng (< 1 triệu đồng), B: 10-50 bao xi măng (1-5 triệu đồng), C: 50-500 bao xi măng (5-50 triệu đồng), D: >50 bao xi măng (>50 triệu đồng).

Tất nhiên chúng ta phát tâm hỗ trợ, Cho không Nhớ, Nhận không Quên. Chúng ta không hướng đến quyền lợi khi tài trợ, việc có những quyền lợi về khoá học, giáo dục trong các gói Crowdfunding cũng chỉ như một hệ quả tự nhiên của lòng tốt. Mong bạn vui vẻ đón nhận!

Quyên góp tài trợ cho Xây trường cho em tại: http://lightcharity.com/xay-truong-cho-em/

Hoặc bạn cũng có thể Comment ngay bên dưới Gói tài trợ mình muốn đăng ký (A, B, C, hay D). Một cách khác là hãy nhắn tin cho tôi nhé!

Bạn cũng có thể SHARE bài viết này như một cách để lan toả điều tốt đẹp trong xã hội và biết đâu lại có những cháu bé được giúp đỡ nhờ hành động này của bạn!