Quan sát bản ngã

Một số người thân quen đều biết, trong mấy tháng gần đây tôi vào bệnh viện chăm sóc người thân, ở đây cụ thể là ba tôi. Mấy anh em trong gia đình chia nhau ra phụ giúp, ở bên cạnh ba vào lúc này. Ông nằm viện 2.5 tháng, rồi ra viện được chừng 1 tháng, thì vấn đề tái phát như cũ và ông lại tiếp tục vào viện.

Trong viện, tôi cũng như bao người, làm từ những việc nhỏ thôi, rót nước, chuẩn bị cháo, dọn nước thải, để ý thay dịch truyền, dọn quần áo cũ, thay ra trải giường… Đó cũng là một dịp rất tốt để quan sát bản ngã, và thực hành giá trị tất cả đều ngang hàng. Đeo khẩu trang, đâu ai biết tôi là ai (mà có tháo ra chắc gì biết). Còn nhớ, hồi tôi mổ cái tay bị gãy, tôi chẳng nói gì về mình cả, nhưng khi nằm đó trên giường mổ, bác sĩ phẫu thuật chính nhận ra tôi và giới thiệu với cả ê kíp trong ca mổ về tôi. Bác ấy nói “Cậu ấy giống như một người đương thời vậy” (dùng khái niệm trong chương trình cùng tên trên VTV3 do MC Tạ Bích Loan dẫn).

Còn bây giờ, tôi tập loại bỏ một số đặc quyền của bản thân. Về cơ bản là cứ làm tất những gì được giao. Ngoại hình của tôi càng lúc càng trẻ nữa, lại mặc quần cụt áo phông khá trẻ trung, vô bệnh viện cô y tá nhìn cũng trẻ thôi còn gọi tôi là “cưng”, chắc vì giống học sinh cấp 3. Chẳng được làm “anh” nữa. Ra đường cũng ít dám xưng “anh” với ai. Có lần còn suýt bị cô y tá nhéo tai vì làm sai, dặn lấy cái xe lăn thì lại đẩy vào cái bàn (ăn đòn cũng đáng), cô y tá cũng hơi luống tuổi giơ tay lên suýt nhéo tôi đau điếng. Tôi nhắm tịt mắt thụt cổ lại tưởng ăn phở “tái beo” (tức là béo tai) tới nơi rồi chứ. Họ đâu có biết tôi từng lead nhiều bác sĩ, điều dưỡng, và sau đó có dịp lead công việc kinh doanh của 6 cái bệnh viện trên toàn quốc. Cơ mà cái cảm giác suýt ăn phở “tái beo” nó cũng hay.

Ngủ tại bệnh viện, với những người nhạy cảm về năng lượng như tôi mà không chú ý thì sáng hôm sau hấp thụ năng lượng của bệnh viện cả đêm hết. Có hôm tôi đang thiền ở nhà thì một cơn thịnh nộ dữ dội phát ra trong tôi, tôi gầm lên 2 tiếng. Là vì tôi hấp thụ cả những nỗi đau, sự tức giận, ức chế, đè nén, bất lực trước bệnh tật… của các bệnh nhân trong bệnh viện. Nó chìm sâu bên dưới, đến khi thiền mới chạm tới và “release” nó ra được.

Hôm sinh nhật 21-6 vừa qua, ai mà chẳng muốn sinh nhật mình thì mình dành thời gian cho bản thân, party, vui chơi. Còn tôi, tôi chỉ nghĩ là hôm đó là ngày nhà báo Việt Nam, là ngày của cha, nên là ngày đặc biệt ý nghĩa với ba tôi. Nếu một ngày ý nghĩa mà không thấy con trai mình thì chắc ông buồn lắm. Nên tôi vào chăm ba buổi tối và đêm đó ngủ ở bệnh viện luôn.

Về cơ bản, thời gian chúng ta còn lại với ba mẹ sẽ ít hơn thời gian chúng ta còn lại với nhiều người khác. Hãy tôn trọng tuổi già, vì tuổi già đã trải qua tuổi trẻ, còn tuổi trẻ thì chưa từng trải nghiệm tuổi già. Ai không có hiếu với ba mẹ, hay mối quan hệ còn có sự tắt nghẽn với ba mẹ, thì dòng chảy của sự hạnh phúc, thịnh vượng cũng bị tắt nghẽn khi đến với người đó. Dòng chảy từ tổ tiên đến ông bà, từ ông bà đến cha mẹ, và từ cha mẹ đến con cháu là rất quan trọng.

Ai đã đọc đến đây hẳn là người có tâm. Nếu muốn, bạn hãy để cho tâm mình bình an rồi sau đó phát ra một năng lượng thật tích cực gửi đến ba tôi ở trong hình nhé. Ông sắp trải qua ca phẫu thuật tiếp theo.

Trân trọng và biết ơn.