Trên đời này có 2 loại người

Loại người thứ 1 không bao giờ là chính mình khi có khán giả. Vì họ quan tâm đến việc làm hài lòng khán giả hơn là cất lên tiếng nói từ trái tim, thể hiện niềm tin về điều mà mình đại diện, và chiến đấu kiên cường cho niềm tin đó. Những gì họ nói có thể có vẻ đẹp bên ngoài, có sự lôi cuốn, nhưng cuối cùng chẳng đọng lại gì cả. Họ tan biến đi một cách nhạt nhoà như chưa từng tồn tại, tồn tại hay không tồn tại, cũng không là vấn đề. Điển hình cho loại người này là nhân vật Peter Keating của tiểu thuyết Suối Nguồn.

Loại người thứ 2 không chỉ là chính mình, mà còn là phiên bản tốt nhất của chính mình khi có khán giả. Với họ, trạng thái chân thật và đỉnh cao của cuộc đời là khi đứng trước khán giả của mình. Họ không chấp nhận sự tầm thường của cuộc sống uể oả, lừ đừ, chán ngán nếu không được cháy hết mình với khán giả của mình. Trạng thái đó không phải là toàn bộ tiềm năng trong con người của họ. Họ vươn lên và phá vỡ mọi giới hạn. Cứ mỗi khi “nhập flow”, trước hàng nghìn khán giả, họ trở thành “the best version” của mình, họ không sống dưới mức tiềm năng. Những lúc đó, cho dù họ có cố gắng, họ cũng không thể nào trở nên kém cỏi nỗi. Họ auto-toả sáng. Điển hình của loại người này là Thủ lĩnh huyền thoại Freddie Mercury của ban nhạc Rock lẫy lừng Queen.

Chúng ta cứ hay vịn vào cái “là chính mình”, mà đôi khi là để đưa ra lý do, nguyên nhân cho nhiều sự việc. Ví dụ, ta nói “Em cảm thấy mình không còn là chính mình nữa” và từ bỏ. Hoặc “Con người tôi là vậy đó, vậy mới đúng là tui” để yêu cầu người khác chấp nhận mình vô điều kiện. Ở một tầng nhận thức nào đó, việc này đúng, rất đúng. Phải là chính mình.

Ở một góc nhận thức khác, thật ra, trên đời này không có cái gọi là “chính mình”. Lấy ví dụ một bông hoa, nó không phải là chính bông hoa đó, mà trong bông hoa đó có cả nước, lửa, gió, đất, mặt trời, không gian, thời gian, năng lượng… Trong hoa có rác, mà trong rác có hoa. Hoa chết sẽ thành rác, rác dùng làm phân bón sẽ ra hoa. Trong cái này có cái kia. Một người thân đã mất không phải chỉ là một người thân đã mất, mà khi nhìn lên những đám mây kia trên trời cao, và những giọt nước mưa rơi xuống, ta nhìn thấy người thân ở đó, và ở bên trong cả những dòng huyết quản đồng hành với ta. Tôi và bạn cùng trao đổi chất và cùng hít thở một bầu không khí, ăn thức ăn từ cùng một nơi, uống thức uống từ cùng một nguồn. Trong tôi có bạn, mà trong bạn có tôi. Tôi không phải là “chính tôi”, mà bạn cũng không phải là “chính bạn”. Tôi có thể trở thành “bạn”, bạn cũng có thể trở thành “tôi”. Tất cả chỉ là năng lượng. Và chúng ta là một.

Cái “là chính mình” chỉ là một sự lừa dối, đôi khi là một sự nguỵ biện. Không có cái “chính mình” mà “chính mình” chỉ là sản phẩm của thế giới bên ngoài cài đặt vào bạn, ngay từ khi ở trong bụng mẹ, nhận dinh dưỡng, tâm lý và tư duy của người mẹ, cho đến khi ra đời, nhận sự giáo dục, tác động từ môi trường, mối quan hệ, và những trải nghiệm cũng như sự kiện xẩy đến trong cuộc sống.

Đừng là chính mình. Hãy luôn sáng tạo trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình. Cuộc sống không phải là tìm lại chính mình, mà cuộc sống là về việc kiến tạo ra chính mình. Life is not about finding myself, but life is about creating myself.

#tmt

Hình: Cổng vào Thần Mặt Trời (Sun Gate), đỉnh cao nhất, kỳ quan thế giới cổ đại Machu Picchu, Peru.

Đây là hình gốc cho bức tranh này trong tác phẩm Khoinghiepphieuluuky.com:

https://bit.ly/2NFUFMF