Trời đã (lỡ) sinh Du sao còn…

  • by

Chu Du là nhân vật lịch sử thường được biết đến qua tiểu thuyết “Tam quốc diễn nghĩa”.

“Tam quốc diễn nghĩa” là tiểu thuyết nên không thể tránh khỏi tình tiết hư cấu, chủ yếu là qua ngòi bút chủ quan của La Quán Trung, đôi khi có sự thiên vị ưu ái, làm sai lệch hình ảnh những nhân vật lịch sử. Về “Tam quốc diễn nghĩa” của La Quán Trung (phân biệt với “Tam quốc chí” của Trần Thọ) thì tỷ lệ hư cấu có thể xem là “7 thực 3 hư”, tức cứ khoảng 3 tình tiết thì có 1 cái là #hưcấu. Nhưng nhiều người không biết nên cứ tưởng “Tam quốc diễn nghĩa” là “chính sử”.

Xích Bích là trận đánh lớn nhất thời tam quốc, là top 10 trận đánh quan trọng trong toàn bộ lịch sử Trung Hoa, được xếp vào một trong những trận đánh lớn của nhân loại. Nhắc tới Xích Bích là nói tới Chu Du, và nhắc tới Chu Du phải kể ngay tới Xích Bích, hay nói cách khác, sự thành công của Xích Bích phụ thuộc rất nhiều vào tài trí và năng lực lãnh đạo của Chu Du.

Khi ấy Chu Du 33 tuổi nhưng đã làm Đại đô đốc chỉ huy toàn bộ liên minh Thục (Lưu Bị) – Ngô (Tôn Quyền), lãnh đạo nhiều vị lão tướng hàng đầu của hai bên.

Trước Xích Bích, Tào Tháo giữ 80% quân số thời đó, nghĩa là cộng hết quân của hai phe còn lại cũng chỉ bằng 1/4 quân Tào.

Sau Xích Bích, Tào Tháo mất 60% quân lực. Từ đó lực lượng 3 bên đồng đều hơn, mở ra thế chân vạc. Nên có thể xem Xích Bích là trận chiến mở ra thời Tam Quốc. Đây là một trận chiến “lấy ít thắng nhiều” vô cùng nổi tiếng trong lịch sử không chỉ bởi ý nghĩa chiến lược, quy mô lớn, tính chiến thuật độc đáo mà còn bởi hình ảnh “phượng hoàng lửa thiêu cháy toàn bộ quân địch” đã truyền rất nhiều cảm hứng cho hàng ngàn bậc thi nhân và các nghệ sỹ thuộc nhiều thế hệ về sau (Chu Du dùng liên hoàn kế rồi đánh hoả công thiêu cháy hạm đội quân Tào, biến con sông Dương Tử thành một bó đuốc khổng lồ trong đêm tối).

Tất nhiên, La Quán Trung mô tả trận Xích Bích trong “Tam quốc diễn nghĩa” cực kỳ hào hùng, hình ảnh Chu Du cũng đã được miêu tả điều binh khiến tướng như thần, đội hình trận mạc thẳng tắp khiến cho tướng lĩnh phe kia phải kinh ngạc. Nhưng La Quán Trung đã ưu ái cho nhà Thục quá nhiều và làm giảm bớt công trạng của Chu Du.

Tài năng của Chu Du khiến cho gian hùng có 1 không 2 trong lịch sử như Tào Tháo còn phải liên tục rơi vào những tính toán của ông và hành xử như một quân cờ trong tay ông. Trong “Tam quốc diễn nghĩa”, La Quán Trung lại lấy liên hoàn kế của Chu Du đem cho Bàng Thống là người đề ra kế sách này. Gia Cát Lượng chả có công lao gì nên La Quán Trung chế thêm tình tiết “lập đàn cầu gió Đông”, quyết định số phận trận đấu.

Những mưu kế của Gia Cát Lượng theo kiểu “ngựa gỗ trâu máy”, “lập đàn cầu gió”… cũng thuộc loại “hư hư ảo ảo” vậy. Xét sự nghiệp và công trạng, Gia Cát Lượng không thể nào sánh bằng Trương Tử Phòng hay Khương Tử Nha, chỉ luận trong Tam quốc, Lượng chưa chắc là người giỏi nhất. Khi Chu Du đã thành nhân, thành tài, thành công, thành danh thì Gia Cát Lượng mới tập tễnh “khởi nghiệp”, chưa có uy tín và công trạng gì. Nên Chu Du không có lý do nào để ghen tỵ với Lượng. Chuyện Lượng 3 lần chọc Du tức ói máu cũng như câu nói “Trời đã sinh Du sao còn sinh Lượng” không tồn tại trong sách sử, chỉ là chuyện “chém gió” của La Quán Trung.

Dựa vào các sự kiện trong lịch sử, Chu Du giúp sức cho cả ba đời nhà họ Tôn: từ Tôn Kiên, cho đến tình bạn đẹp với con trai Tôn Kiên là “Tiểu bá vương” Tôn Sách, hai người hợp lại đánh “không có đối thủ”, và cuối cùng với em trai Tôn Sách là Tôn Quyền, Chu Du cũng hết lòng dùng toàn bộ tài năng của mình để giúp sức. Dù nhiều lần Viên Thuật và Tào Tháo đều cố ý “dụ dỗ” ông, ông vẫn không hề nao núng. Có thể thấy ông là người trung nghĩa, “trước sau như một”.

Trong sách sử, cũng không hiếm sự kiện chỉ ra Chu Du là người nhân nghĩa, và đặc biệt rất rộng lượng, biết nghĩ cho cái chung. Chuyện lòng dạ hẹp hòi, đố kỵ, ghen ghét với Gia Cát Lượng cũng chỉ là “truyện chế” cho vui của La Quán Trung ấy mà.

Ông bị bệnh nặng nên chết trẻ. Trước khi chết, ông vẫn kịp sắp xếp mọi thứ thật chu toàn cho ba quân xuất phát rồi mới yên nghỉ.

Học ở Gia Cát Lượng sự hết mình trong công việc, “cúc cung tận tuỵ” vì nhà Hán đến cuối đời. Học ở Tư Mã Ý cái nhẫn của người chiến thắng cuối cùng và lấy cả thiên hạ. Học ở Chu Du nhiều điều nhưng tựu chung lại là điều bên dưới này.

Về trí, Chu Du thuộc đẳng của những quân sư tốt nhất thời Tam Quốc. Về võ, Chu Du đủ để làm Đại đô đốc thống lĩnh toàn quân. Văn võ song toàn.

Ông lại cầm kỳ thi hoạ, tương truyền dù cho nhậu say, Du nghe một bài nhạc sai một nốt vẫn chỉ ra được đó là nốt nào.

Chu Du cũng “đẹp trai có tiếng” ở Giang Đông. Ông được gọi là “Chu Lang” (“Lang” là bậc mỹ nam tử). Chắc vì thời đó chưa có từ “Soái ca”.

Nói chung, cái sai duy nhất của Chu Du là… ông quá hoàn hảo. Ông hoàn hảo thì sai với cái chân lý xưa nay là “không ai hoàn hảo”. Vì vậy Ông Trời lỡ sinh ông ra rồi thấy mình… bị hố liền thu hồi mạng sống của ông. Cho ông chết trẻ vì bấy nhiêu năm vinh quang cũng đủ rồi.

Chu Du cưới Tiểu Kiều cũng là một đại mỹ nhân thời bấy giờ. Đã là người hoàn hảo mà còn… cưới vợ đẹp thì đáng chết là phải!

Tôi thích nhất người khác trong Tam Quốc, song thương Chu Du với tài năng và đức độ, nhưng sau này bị “xuyên tạc”. Thế mới thấy trên đời lắm khi có những sự thật được xuyên tạc rồi lại được đồn thổi. Nhưng ngày nay, ngày càng nhiều người biết được thực hư câu chuyện giữa Chu Du và Gia Cát Lượng. Đơn cử, lên Google gõ “Chu Du” thấy 5 bài thì hết 4 bài “minh oan” cho ông rồi. Nên dù cho người khác có cố gắng nói gì về bạn thì trên đời này chẳng có sự thật nào lại không lớn dần theo năm tháng cả! Hãy cứ tiếp tục sống với những giá trị trên con đường của chính mình.

(Bài viết trên Yahoo! 360 Blog của TMT năm 2008, có chỉnh sửa năm 2017 khi post lên Facebook)

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *