Ý nghĩa tâm linh đằng sau sự “xung đột” giữa doanh nhân Nguyễn Phương Hằng và giới nghệ sỹ Việt gần đây là gì?

Sự xung đột giữa doanh nhân Nguyễn Phương Hằng và giới nghệ sỹ gần đây phản chiếu sự xung đột giữa hai nguồn năng lượng tại Việt Nam: nguồn năng lượng biến dạng của vật chất và nguồn năng lượng biến dạng của tinh thần. Có rất nhiều quan điểm về câu chuyện này và ở đây chúng ta cùng đi vào một tầng rất sâu để lý giải những hiện tượng đang diễn ra ngoài xã hội, đó là ở cấp độ tâm thức.

Dường như thời nào thì cũng có mâu thuẫn giữa vật chất và tinh thần. Mà, một bên, doanh nhân đại diện cho vai trò của vật chất. Còn, nghệ sỹ đại diện cho vai trò của tinh thần. Cuộc “đụng độ” này diễn ra thường xuyên và ngấm ngầm, có thể nói, tuy có những lằn ranh mong manh của sự giao thoa, nhưng có nhiều doanh nhân không “thích” lắm giới nghệ sỹ – mà họ cho là “ồn ào, thị phi, làm màu”, và họ đánh đồng “showbiz” với “rẻ tiền”. Và nhiều nghệ sỹ cũng vô cùng xa lạ với cách tư duy, hành động của doanh nhân – mà họ sợ cái “máu lạnh, vật chất, kim tiền” có thể làm “vấy bẩn” hay “hạ thấp” tâm hồn nghệ thuật của họ.

Chỉ có điều, xét về “lắm tài nhiều tật” thì thật ra, không bên nào nhường bên nào.

Nên ở đây, không phải là sự xung đột đơn thuần giữa vật chất và tinh thần, mà thật ra là sự xung đột giữa các “biến dạng” trong phẩm chất của cả hai bên.

Một bên, người doanh nhân có nhiều điểm cộng. Họ sản xuất, kinh doanh tạo ra giá trị, mang đến công ăn việc làm, thúc đẩy sự phát triển kinh tế. Họ táo bạo, thông minh, biết tính toán, có các kỹ năng sắc bén, một số người có khả năng về tài chính, cũng như toát ra năng lực thu hút của một nhà lãnh đạo tài ba. Tuy nhiên, khi những phẩm chất bị biến dạng, họ có thể trở nên quá hung hãn, quá aggressive, quá forcing, quá tập trung vào việc đạt được mục tiêu và tham vọng của mình cho bằng được. Một số có thể còn làm giàu bằng những cách phi đạo đức hay phi pháp luật. Một số linh hồn còn trẻ và đang chật vật học bài học về vật chất, khi bắt đầu có vật chất, họ có thể trở nên rất kiêu ngạo, nhìn mọi thứ dưới ngôn ngữ của tiền bạc. Họ dùng vật chất làm thước đo cho phẩm giá của con người. Họ rất tự hào với phong cách sống đó và liên tục gia tăng, củng cố cho “quyền lực” của mình.

Bên còn lại, người nghệ sỹ thật ra là những tâm hồn rất đẹp. Một số là những linh hồn đã rất tiến hóa. Họ có khả năng lắng nghe trực giác. Biết sử dụng năng lượng từ trái tim thay vì chỉ là sự sắc bén của khối óc. Họ có thể nhập vào dòng chảy của sự sáng tạo trong vũ trụ này. Chính khả năng này mà chúng ta có thể hiểu rằng chính nghệ thuật cũng là một con đường để giác ngộ. Để hòa vào làm một với bản nhạc tình yêu tuyệt đẹp của vũ trụ này, và chứng ngộ được những yếu tố vô hình trong cuộc sống. Tuy vậy, một khi sống với các phẩm chất biến dạng, họ có thể trở nên rất yếu đuối, một tâm hồn mong manh dễ vỡ, với rất nhiều ảo ảnh và ảo tưởng của bản thân. Những cảm xúc trở thành con dao hai lưỡi, có thể khiến một người thay vì cân bằng cảm xúc thì trở nên rối loạn cảm xúc. Ánh hào quang bên ngoài chỉ tạo ra thêm sự trống rỗng bên trong. Họ có thể nhìn nhận mọi thứ rất chủ quan, như việc làm từ thiện chẳng hạn, vừa đáng trách mà vừa đáng thương. Một số có thể còn mất cân bằng giữa hai cực tính: cực nam và cực nữ. Một số khác thì nhầm lẫn giữa kính tín và mê tín, họ sử dụng yếu tố tinh thần nhưng sai cách.

Thật ra, cả hai, dù là doanh nhân, hay nghệ sỹ, đều là nô lệ của bản ngã, cái Tôi của họ có thể rất lớn, với chữ T viết hoa. Họ đều có nhiều sự đè nén từ bên trong, đặc biệt là về cảm xúc. Họ cũng rất đau khổ, bởi vì bên trong có rất nhiều ký ức và tổn thương chưa hề được chữa lành. Một bên thì phải tỏ ra quá mạnh mẽ, quá cương, quá cứng. Một bên thì khá ủy mị, mềm, yếu. Tất nhiên, họ cũng có nhiều niềm vui trong cuộc sống và mỗi người đều đang phải học phần bài học của mình.

Khi cuộc xung đột ngầm này tích lũy đủ về lượng, nó sẽ dẫn đến sự bùng nổ công khai, trên phương diện truyền thông. Qua đó, hàng loạt biến dạng, “thói hư tật xấu” của cả hai bên được phơi bày. Một bên toát ra nguồn năng lượng quá phán xét, quá vật chất, quá so sánh. Bên còn lại, cho thấy quá nhiều góc khuất, góc tối sau ánh hào quang, chủ yếu là vì sự “dại khờ” trong tâm hồn, một tâm hồn đã bị lệch lạc và cần quay trở về sự cân bằng.

Trên hết, cuộc đụng độ này là điều tất yếu, để vượt qua nhị nguyên. Chúng ta sẽ thấy, người doanh nhân cũng có thể rất tinh thần, rất nghệ sỹ. Dòng chảy sẽ khiến chúng ta nhìn thấy doanh nhân hát, và hát rất nghệ. Nghệ sỹ rồi cũng phải học bài học về vật chất, trừ phi họ đã học xong nó trước đây, họ sẽ trở nên chuyên nghiệp hơn, bản lĩnh hơn, hợp nhất được cả tim lẫn não. Khách hàng nuôi doanh nhân, doanh nhân cống hiến sản phẩm chất lượng tốt cho khách hàng. Công chúng nuôi nghệ sỹ, nghệ sỹ cống hiến những tác phẩm đầy rung cảm đến công chúng. Ai nuôi ai, điều đó không còn quan trọng. Khi đến một lúc nào đó, chúng ta đều nhận ra: Tất cả chúng ta đều là Một. Khi đó, người này có thể đặt mình vào vị trí người kia. Không còn cần phải chia biệt nữa. Không còn cần phải so sánh nữa. Người này có thể thực sự thấu hiểu người kia, với chữ t viết thường. Khi có đủ cái hiểu, sự chuyển hóa và hợp nhất bắt đầu diễn ra. Dù có rất nhiều thử thách, rất nhiều sự cố, từ cấp độ vĩ mô ở diện rộng trên toàn thế giới, cho đến các cấp độ vi mô, trong các mối quan hệ thường ngày của chúng ta. Tất cả diễn ra chỉ nhằm một mục đích: giúp chúng ta nhớ lại mình thực sự là ai, rồi tiến đến sự hợp nhất.

Và chúng ta đang tiến vào thời đại đó.

TMT.