5 bí quyết thành công khi “chinh phục” đỉnh Fansipan

Nếu vừa học xong một chương trình đào tạo cường độ cao trong vòng 60 giờ liên tục, qua 3 ngày 1 đêm, ngày cuối học xuyên đêm từ 9h sáng đến 10h sáng hôm sau, bạn sẽ muốn làm gì sau đó? Hẳn là bạn sẽ thấm mệt, và muốn nghỉ ngơi, chắc là bạn còn muốn đánh một giấc và nghỉ thêm vài ngày cho hồi phục đấy chứ.

Vậy nếu bạn không phải ngồi học, mà là người trực tiếp đào tạo, diễn thuyết và dẫn dắt chương trình đó thì sao? Có lẽ bạn sẽ mất năng lượng hơn rất nhiều đúng không? Vậy nếu ngay sau khi đào tạo một chương trình như vậy bạn đã đi xe lên Sapa vào ngày hôm sau, và bắt đầu leo núi, chinh phục Fansipan – ngọn núi cao nhất Việt Nam thì sao? Khá điên rồ phải không. Đó là câu chuyện mà tôi đã trải qua và sau đây là một số “bí quyết” tôi đúc kết được sau chuyến đi đó.

5 bí quyết thành công từ chinh phục đỉnh Fansipan

1. Mỗi lần một bước, làm tốt từng bước.

Chặng đường đi thật sự rất mệt. Đó là lần đầu tiên tôi leo núi. Lại chọn ngay ngọn núi cao nhất Đông Dương để leo. Dù có sức khoẻ và cả sức bền nhưng cũng thấy rất mệt. Đường đi cheo leo hiểm trở, có đoạn cảm giác như vách núi dựng thẳng đứng lên. Bám tay, bám chân vào từng khe hở, từng mảnh đá gồ ghề, đu đưa và nâng cơ thể đi từng chút, rồi lại nhấc chân leo từng chút, bước từng bước.

Đôi chân nặng nề đến nỗi mỗi bước phải lấy tay chống vào đầu gối đẩy mạnh nhấc cơ thể lên, chứ nếu chỉ dựa vào mỗi lực đạp của chân để nhấc lên thì không đủ.

Khi đó tốt nhất đừng quan tâm gì đến đỉnh núi, đừng nhìn lên quá cao mà nản lòng nôn nóng cộng thêm mệt mỏi muốn bỏ cuộc, hãy giữ tầm nhìn đó trong tâm trí mình, giữ mục tiêu đó trong con tim mình, kiên định không bỏ cuộc, nhưng kiểm soát sự kỳ vọng, đừng để tầm nhìn đó thay vì tạo động lực thì lại khiến mình gục gã. Nếu mỗi bước đã mệt như thế mà bạn biết sẽ còn cả trăm ngàn bước như thế thì bạn có muốn bỏ ngay và luôn cho rồi hay không? Thà là quên nó đi và tập trung vào hiện tại thôi. Có lẽ những người thành công dù biết trước để thành công sẽ rất khó khăn, thì họ cũng không bao giờ đánh giá được chính xác những khó khăn mình phải trải qua nó lại… khó đến thế (may mà họ không biết trước hết nên họ mới… thành công). Tôi nhớ mình cứ cắm mặt xuống đất, đi từng bước, cứ mỗi bước là một thành công. Thành công là gì? Nói đơn giản, thành công là hoàn Thành Công việc của mình. Việc của mình bây giờ là bước, mỗi bước chân chính là một thành công nho nhỏ, đừng nghĩ phức tạp quá.

Có tầm nhìn là đỉnh núi rồi thì “Tuỳ Duyên” đi. Tuỳ duyên là gì? Nhiều người hiểu sai “tuỳ duyên”, cho rằng đó là đổ thừa cho số phận, là bạc nhược, là không cố hết sức mà cứ “tuỳ duyên”. Không phải, “tuỳ duyên” chính là biết rõ mình muốn gì, cần gì, đích đến là gì, nhưng không để cái tham vọng đó giết chết mình, mà tập trung làm thật tốt, làm hết sức mình chuyện của hôm nay, kết quả ngày mai sẽ đến như là trái quả của hạt nhân gieo trồng bây giờ. Hãy mơ ước nhưng hãy buông bỏ đi cái ham muốn tột cùng với giấc mơ đó, giấc mơ lại càng đến gần hơn. Hãy làm thật tốt việc hôm nay, và kết quả ngày mai có đến thế nào cũng là do sự nỗ lực hết mình hôm nay, nên đừng có bận tâm đến ngày mai quá. Nỗ lực làm tốt trong từng bước một vào lúc này. Đó là tuỳ duyên.

Kết luận: Làm kinh doanh cần có tầm nhìn, nhưng hãy phân rã thành các mục tiêu nhỏ, giống như mỗi bước chân, và nỗ lực hết mình thực thi thật tốt mỗi ngày. Một cuộc đời kinh doanh thành công được tạo nên bởi tổng những năm kinh doanh thành công (cho dù có những thất bại ở trong đó), và một năm kinh doanh thành công lại là tổng hoà những ngày kinh doanh thành công. Hãy thực thi (Execution) thật tốt trong “từng bước chân”.

2. Thành công là đích đến. Nhưng hạnh phúc là cả quá trình.

Quả thật, chặng đường đi rất mệt. Nhưng cũng có rất nhiều điều thú vị.

Tưởng tượng mà xem, bạn được bước qua những con suối trong veo nước chảy róc rách thấy rõ cả mặt cát. Bạn tha hồ nhìn ngắm các loại cây, trái, và còn có thể tiện tay hái bỏ vào mồm thưởng thức vài loại trong số đó. Suốt hành trình là những hòn đá và dãy núi hùng vĩ. Có những khi đang leo mệt quá, quay đầu nhìn sang bên, lại trố cả mắt há cả mồm khi thấy cảnh thiên nhiên non nước hữu tình thơ mộng (nhiều khi mệt chết mie nên chắc cũng không để ý lắm đâu, tự sướng còn chả có hơi). Rồi những đám mây theo làn gió thổi sà thẳng vào người bạn, không phải bạn đi xuyên qua mây, mà là mây bay xuyên qua bạn. Không phải bạn chạm vào mây, mà là mây thích thú reo vang khi chạm vào bạn: “Mày xem kìa, tao vừa chạm vào một đứa con người đây. Yà hú!”.

Những lúc đó cũng là những khoảnh khắc quên hết mệt nhọc. Nó thật sự thú vị.

Vì nếu không thấy nó thú vị, sẽ chẳng có gì là ý nghĩa với bạn nữa.

Nghĩ xem, bạn leo mất 2 ngày 1 đêm (tôi có thể leo lên trong ngày nhưng tôi tôn trọng lịch trình của đoàn), suốt 2 ngày 1 đêm đó toàn là gian khổ, ngày thì mệt nhũn cơ, đêm thì lạnh “thấu xương”. Rồi bạn lên đỉnh chỉ 10-15 phút. Không lẽ bạn chỉ hạnh phúc trong 10-15 phút đó thôi sao?

Đó chẳng phải là cách mà chúng ta sống sao?

Chúng ta cùng “đối tác” hùn hục “làm việc” như trâu trong cả 30 phút, cuối cùng chỉ thấy “lên đỉnh” ở một cơn rùng mình kéo dài 3 giây.

Chúng ta cố gắng học trong suốt 4 năm, chẳng vui vẻ hạnh phúc gì, đến khi nhận bằng đại học chỉ có 4 giây thì mới cảm thấy có tí sung sướng trong 4 giây đó.

Chúng ta theo đuổi một khách hàng suốt cả tháng, toàn tiếp khách, quan hệ, nâng niu chăm chút, cảm thấy mình thật… dễ dãi, bỏ bê vợ/chồng con cái, đến giây phút ký hợp đồng mới thấy sướng rần rần trong 5 giây.

Chúng ta cật lực chuẩn bị cho một vụ gọi vốn suốt 6 tháng, toàn áp lực và số má, đến khi tài khoản ngân hàng “ting ting” báo tiền đầu tư về, trong 6 giây sau đó thấy thật phấn khởi và “Hura! I did it!” (Qua đến hôm sau lại cày số, đạp KPI cho nhà đầu tư giải ngân tiếp thấy mie, chẳng còn vui gì sất).

Nếu chúng ta nhìn nhận hạnh phúc là như thế, cuộc sống chỉ có 1% hạnh phúc còn lại 99% là áp lực và bất hạnh.

Tôi biết nói ra có vẻ sáo rỗng, nhưng đó chính là điều tôi đã trải nghiệm. Hãy tìm và cảm nhận hạnh phúc trong từng bước chân mình đi. Khoảnh khắc về đích là một Thành công chung cuộc, nhưng từng bước chân và mỗi khoảnh khắc trôi qua trong suốt hành trình đều là Hạnh phúc.

Khi lên đến đỉnh tôi có hạnh phúc hơn hay không? Thú thật, với những gian khổ đã qua chắc bạn nghĩ lúc lên đỉnh rồi tôi sướng lắm, hạnh phúc kinh khủng lắm. Nhưng… Không! Tôi quan sát thấy mình rất điềm tĩnh, không có gì là quá sung sướng cả, không phải tôi kìm nén lại đâu, tôi cho phép mình thụ hưởng giây phút đó, nó rất hạnh phúc, nhưng tôi thấy nó không hạnh phúc Hơn giây phút trong suốt chuyến đi. Thật ra tôi còn nghĩ “Thế là lên đỉnh rồi ư? Vậy thì bây giờ mình sẽ tìm những ngọn núi khác ngoài Đông Dương”. Nó là một Thành công, và tôi có quyền Tự hào về nó, nhưng Hạnh phúc không phải chỉ khi về đích, hạnh phúc là xuyên suốt trong cả quá trình.

Kết luận: Hãy tận hưởng từng giây phút khi bạn làm kinh doanh, những cuộc họp, những buổi gặp đối tác, khách hàng, những lần giao tiếp chia sẻ với nhân viên, cả những lúc ngồi đọc báo cáo tài chính, kể cả khi… ký duyệt chi lương cho nhân sự. Khi chinh phục một đỉnh núi, hãy tiến đến đỉnh núi tiếp theo. Đạt được mục tiêu lợi nhuận này, hãy tiến đến mục tiêu lợi nhuận tiếp theo. Hoàn tất một sứ mệnh này, hãy sống tiếp với sứ mệnh tiếp theo. Nhưng đừng để cuộc sống cứ cuốn trôi mình đi. Be Happy. Do it with Joy.

3. Hãy quan sát con người thật của mình càng sớm càng tốt.

Muốn hiểu rõ chính mình, hãy ném mình vào gian khổ. Khó khăn, thử thách đủ lớn, con người thật hiện ra càng rõ ràng hơn. Sống trong cảnh an nhàn, ta dễ nói điều tử tế. Đến lúc lâm vào cảnh gian nan, ta có còn tử tế trước sau như một được hay không? Hay lại vì cái quyền cái lợi của chính mình mà cảm xúc lên, lộ rõ con người thật của mình, lộ rõ cách hành xử thật sự của mình với người khác.

Khi leo Fansipan, bạn thể hiện con người thật của mình, bạn có xu hướng động viên người khác, hay lầm lũi một mình, hay chuyên buôn than, hay tức quá chửi cha chửi mẹ? Vì khi đó quá mệt để có thể make up, quá oải để có thể làm màu. Muốn chọn vợ, chọn chồng, rủ nó đi leo Fansipan. Leo xong về bỏ nhau vẫn còn kịp. Vợ hiện tại của tôi, cô ấy đã chinh phục đỉnh núi này từ những năm 2014, khi đang ốm, vẫn leo đến đỉnh mà không oán than (có người làm chứng). Cuộc đời vô thường. Nhưng biết thế cũng cứ gọi là có chút an tâm. Nhỉ.

Kết luận: Lôi người yêu/ vợ chồng sắp cưới, Co-Founder Co-Founđiếc đi leo Fan. Mất sớm là mất ít, mất muộn là mất nhiều, mất quá muộn là mất tất cả.

4. Giới hạn duy nhất là giới hạn bạn đặt ra cho tâm trí mình

Có bao giờ tiếng nói nhỏ trong đầu hay nói với bạn “Không thể đâu! Không làm được đâu?”

“Lần đầu leo mà leo đỉnh núi cao nhất rồi, không được đâu!”

“Vừa mới dạy gần 60 giờ liên tục như vậy, ngày 1 dạy từ 9h sáng đến 1h khuya liên tục 16 tiếng, ngày 2 dạy từ 8h sáng đến 1h khuya liên tục 17 tiếng, ngày 3 dạy từ 9h sáng đến 10h sáng hôm sau liên tục trong 25 tiếng. Không đủ thể lực để leo tiếp Fansipan đâu!”

“Nhiều người leo, gặp nạn và có người còn chết rồi đó!”

Nếu chấp nhận những tiếng nói nhỏ đó, tôi đã không có mặt trên nóc nhà Đông Dương, và chúng ta có lẽ cũng chẳng thoát khỏi vùng an toàn của mình, làm được điều gì to tát hơn, chứ chưa nói đến kỳ tích.

Sự thật là cho dù chặng đường đi có mệt, có gian nan, sau khi hoàn tất nó, nhìn lại tổng quan, tôi thấy nó cũng… nhẹ nhàng thôi. Có thể nói, tôi đã vượt qua nó khá nhẹ nhàng. Ngày cuối cùng, mưa to gió lớn, vách đá rong rêu trơn trượt khó bám khó leo, chặng đường càng vất vả hơn, nhưng sau khi lên đỉnh rồi thì tôi lại không còn cảm nhận nhiều về những khó khăn đó. Quả là tầm của con người quan trọng hơn tầm của vấn đề. Điều mà tôi cũng thấy ngạc nhiên về bản thân mình là, sau khi trên đỉnh của cả Đông Dương, cơ thể mình lại không hề đau nhức gì cả, dù đó là lần đầu trong đời mình leo núi nhiều như vậy, thì chân vẫn chẳng phồng rộp, chẳng đau chẳng nhức gì cả. Nó vẫn cứ bình thường đến tận bây giờ.

Quả cũng hợp lý thôi, vì nếu không thử thì không biết, nếu ngày ấy không làm bạn không bao giờ biết được mình có làm được hay không. Thật ra, chinh phục Fansipan chỉ nặng cỡ 1/3 Hành Trình lớp học cường độ cao trong 60 giờ mà tôi đã làm nhiều lần. Với sự chuẩn bị như thế, việc nhiều người leo Fan xong về ốm liệt giường, còn tôi lại thấy cơ thể mình khoẻ hẳn ra và chẳng có chút đau nhức nào cũng là điều hợp lý. Tôi xem vậy chứ là người già nhất trong đoàn, lại còn vừa trải qua việc dạy liên tục như vậy, hoá ra lại là người đầu tiên lên tới Đỉnh chào đón những người bạn của mình. Thậm chí về tới nhà vợ còn bảo “Sao giày của anh chẳng bẩn gì cả?”

Kết luận: Kinh doanh thành công rồi thì nhìn lại chặng đường đã qua, có “kể khổ” (vươn lên từ đói nghèo, thất bại gian khổ biết bao) cũng chỉ là… sự lựa chọn thôi J.

5. Thay vì thống trị thiên nhiên. Hãy là một phần hoà hợp với thiên nhiên.

Suốt chặng đường đi, không hiểu sao tự bên trong tôi luôn có câu nói “Thiên địa bất nhân dĩ vạn vật sô cẩu”, có nghĩa: Trời đất không có nhân tính, xem vạn vật như chó rơm”. Và tôi thường xuyên lẩm nhẩm câu nói này của Lão Tử.

Quả thật, có ném mình lăn lộn giữa thiên nhiên hùng vĩ, đất trời bao la, vạn vật hiểm trở, mới thấy cái mạng con người này là rất nhỏ bé mà thôi. Chỉ một tích tắc, mạng người có thể biến mất, trời đất chẳng quan tâm, cũng chẳng tư vị một ai, chỉ có theo Đạo mà “hành xử”.

Con người quá nhỏ bé so với tự nhiên. Nhưng con người thông minh, nên tự cho mình cái quyền chinh phục tự nhiên, thống trị muôn loài. Trái đất có đủ chỗ cho con người, nhưng lại không đủ cho lòng tham của họ.

Thật ra, con người giống như đang “ký sinh” trên một cơ thể lớn là trái đất mà thôi. Trái đất đã tồn tại qua biết bao nhiêu thời gian, mà thời gian con người xuất hiện chẳng qua chỉ như cái chớp mắt. Trái đất đã vượt qua biết bao nhiêu lần tận thế, để “tái cấu trúc” lại. Con người tự cho mình thông minh có thể làm chủ trái đất nhưng thật ra chỉ là một chủng người của hiện nay, trong bức tranh lịch sử vĩ đại của trái đất và vũ trụ này.

Khi bước những bước đầu tiên lên dãy Hoàng Liên Sơn, thay vì mang tâm thế ngạo mạn, muốn chinh phục, muốn đỉnh núi phủ phục dưới chân mình, thì tôi đã xin phép, tôi xin phép núi rừng cho mình và các bạn được bước vào. Tôi cầu nguyện sự an toàn và hoàn tất hành trình cùng với họ. Và cả nhóm đã hoàn tất trải nghiệm này mà không có một ai than vãn, đòi bỏ về nửa chừng cả. Thay vì muốn chinh phục, hãy “cộng sinh” cùng thiên nhiên, thay vì muốn làm chủ nhân, hãy hoà mình vào hoà hợp với tự nhiên, hành xử theo cái quy luật của vũ trụ này, chặng đường đi sẽ vì thế mà đỡ gian lao hơn, hoặc ít nhất bạn cũng không tự làm cho con đường mình đi khó khăn thêm.

Kết luận: Kinh doanh muốn bền vững, cũng phải quan tâm đến những quy luật của vũ trụ. Kinh doanh là cuộc sống, không thể tách rời khỏi cuộc sống, và cuộc sống có những quy luật của nó.

Chúc bạn cũng sớm hoàn tất hành trình Fansipan vào ngày không xa, và hãy chia sẻ điều mình học được với tôi nhé!