Câu chuyện cuộc sống rất đáng đọc

Đây là một câu chuyện mà tôi có biết và muốn chia sẻ lại. Bài dài lắm, nhưng cũng đáng đọc lắm.

Một cậu bé khoảng 6 tuổi, ba mẹ ly hôn.

Cậu ở với mẹ, người mẹ khá bận rộn.

Có nhiều đêm cậu bé chợt thức giấc, không thấy mẹ bên cạnh. Cậu đi kiếm mẹ, cũng không thấy đâu. Cậu chỉ nhớ là sao ban ngày mẹ nói mẹ thương cậu, mà ban đêm lại không có sự hiện diện của mẹ bên cạnh mình.

Nên cậu nghĩ là mẹ không thương cậu, không lo cho cậu. Mẹ thật tệ bạc. Mẹ đối xử với cậu chẳng ra gì.

Cậu cứ giữ suy nghĩ đó trong lòng. Thời gian trôi qua, cậu chỉ nhìn thấy điều mình muốn thấy, tìm kiếm “bằng chứng” chứng minh là mẹ chẳng thương mình. Cậu la cà trao đổi với đám bạn, không có đáp án nào tích cực hơn, mà chỉ củng cố thêm cho điều có sẵn trong đầu cậu. Ai nói ngược lại với ý trong đầu cậu cậu đều bác đi, không nghe tiếp, có khi còn nổi nóng.

Dần dà, bên trong cậu hình thành nên một niềm tin: Phụ nữ không đáng tin. “Phụ nữ” ở đây được đại diện bởi “người mẹ” ở trong quá khứ, hằn sâu vào trong tiềm thức của cậu khi còn nhỏ, và trồi lên ở phần ý thức hình thành nên suy nghĩ, cảm xúc, những cái đó ảnh hưởng đến mô thức hành xử của cậu sau này trong các mối quan hệ.

Mấy chục năm sau, cậu bé đó trở thành một người đàn ông không bao giờ tin tưởng vào phụ nữ, điều đó ảnh hưởng đến mối quan hệ của cậu với những người phụ nữ sau này. Những người phụ nữ đó rồi đều sẽ mệt mỏi và rời bỏ cậu ra đi. Cậu lại càng củng cố thêm niềm tin thuyết phục của mình về phụ nữ: Mẹ mình, hay Phụ nữ, không đáng tin, họ lừa dối, nguy hiểm, không thể xây dựng mối quan hệ được.

Sự thật là: Mẹ của cậu bé ấy làm bác sĩ. Bà phải thường xuyên đi trực đêm. Nghề nghiệp đã là như vậy. Cái nghề mà cũng là cái nghiệp. Bệnh nhân cũng cần bà. Giấc ngủ của con là giấc ngủ của con. Một mạng người cũng là một mạng người. Bà cũng không thể sắp xếp gì khác đi. Bà đã hành xử hết khả năng của mình. Ly hôn chưa được bao lâu, mọi thứ xáo trộn, cảm xúc và tâm lý khủng hoảng, tự mình nuôi con, bà vẫn phải giữ công việc, làm cho tốt mọi chuyện, không chỉ vì có thu nhập để trang trải cho cuộc sống và tương lai của con, mà vì tính mạng của nhiều bệnh nhân cũng trông cậy vào mình. Đó cũng là một công việc với áp lực tâm lý khổng lồ. Bà đã cố hết sức. Bà vẫn dành thời gian cho con. Có khi con cần bà đã có mặt ngay lập tức. Nhưng tất cả những điều đó đều bị phủ nhận trong đầu cậu bé, cũng như nó không nhìn thấy được bức tranh vất vả của mẹ mình, hoặc nó cũng chẳng muốn nhìn thấy, nó không còn “kiểm soát được kỳ vọng” trong mối quan hệ này vì nó còn quá nhỏ để có thể làm điều đó, nó “khoá” con tim lại và chẳng còn cảm nhận được tình thương của mẹ mình.

Điều đáng nói là hai mẹ con chưa từng một lần ngồi lại chia sẻ với nhau, mở lòng ra, để thực sự thấu hiểu nhau, và chữa lành cho nhau. Nên mới có chuyện người mẹ thì đã rất nỗ lực và vất vả nhưng con vẫn “thù ghét” mình. Đứa con thì nghĩ rằng những “bằng chứng” mà mình có thế là đủ rồi, mình biết hết rồi, mình đúng rồi, không có gì phải ngồi nói chuyện với mẹ nữa cả. Mấy chục năm trôi qua, một đời người trôi qua. Chỉ từ mấy đêm thức giấc không có mẹ, tạo nên một niềm tin và hành xử tiêu cực về người khác. Cuộc sống có nhiều lúc như vậy, từ một chuyện bé không hại gì ai, lại xé lớn ra thành cả một kiếp người.

Nhiều suy ngẫm về cuộc sống từ câu chuyện này, và nhiều câu chuyện khác là gì?

1. Hãy luôn giao tiếp trực diện với nhau để có được những câu trả lời, để chuyện bé vẫn là chuyện bé đúng với bản chất của nó. Đừng đi lòng vòng bên ngoài, chủ quan với những gì mình thấy, mình nghe, rồi bị trói buột bởi câu hỏi “Tại sao vậy? Tại sao lại như vậy?”, nó dẫn đến sự Suy diễn ngày càng nặng, tạo ra Niềm tin tiêu cực, và khiến mọi chuyện cứ To ra mà đúng ra nó đã được xử lý thành thật, vui vẻ, happy từ đầu.

2. Mỗi người đều có những tiêu chuẩn (gọi là “khuôn mẫu”) của riêng mình. Lấy khuôn mẫu của mình áp đặt lên người khác, hoặc phán xét khuôn mẫu của người khác chỉ vì nó không giống như mình là một sai lầm, có phần còn nông cạn.

3. Nếu cái tôi của mình quá lớn thì mình sẽ khó mà lắng nghe, mở lòng, và “tiến hoá” lên thêm một level mới. Vì mình cho là mình đủ đúng rồi. Nhiều người thà đúng còn hơn là hạnh phúc, thà đúng còn hơn là thành công. Nên Einstein mới nói [Trí tuệ = 1/Cái tôi], tức là Cái tôi càng lớn thì Trí tuệ càng giảm. Cái tôi lớn quá cũng khó mà làm chuyện lớn. Vì cái tôi chiếm hết chỗ trên con tàu rồi, không có chỗ cho người giỏi khác ngồi cùng. Mình sẽ mãi là người giỏi nhất trên con tàu đó.

4. Làm một điều với ý tốt, vẫn có thể bị hiểu xấu, có khi còn nặng nề. Dù sao đi nữa, hãy điều chỉnh, cải tiến, và tiếp tục làm chuyện mình cho là tốt.

5. Đàn ông hay không, không thể hiện ở ly rượu mình cầm trên tay, hay số tiền mình cho đi hào phóng. Mà là ở trái tim của mình có đủ lớn để bao dung, dung nạp những điều tưởng như mâu thuẫn, trái ngược hay không. Chủ tịch một tập đoàn ở Hàn Quốc nói rằng “Trái tim người đàn ông phải bao la như biển cả kìa”. Đàn ông thì chuyện bé không xé ra to, giữ chuyện bé là chuyện bé, không đi buôn chuyện lung tung, bày mưu tính kế giữa con người với con người mà mệt mỏi vì lòng dạ con người, trong khi sự nghiệp của mình thì phải tập trung mà còn lo chưa xong.

6. Khi quá yêu một ai đó, khi tình yêu trở thành sự sở hữu, ta có thể chuyển sang căm ghét hoặc làm hại cho người đó. Cậu bé vì quá yêu mẹ mình mà từ một vài sự kiện suy diễn trở nên căm ghét bà. John Lenon, thủ lĩnh của ban nhạc huyền thoại The Beatles, bị bắn chết bởi chính fan hâm mộ yêu mình nhất.

7. Khi hành động không vì tình thương mà vì nỗi sợ hãi, ta sợ hãi trước một thứ không có thực, để bảo vệ những gì mình đang có (anh em, người mình yêu thương, công ty…), ta tự tạo ra một kẻ thù, một con “quái vật” cho mình, ta lo lắng và phải nghĩ cách đối phó. Kẻ thù đâu chưa thấy, chỉ thấy ta mệt mỏi và khủng hoảng, cần bình ổn tâm lý. “Kẻ thù” không có thật, hãy sáng suốt và lắng nghe lương tâm của mình.

8. Tất cả mọi người đều sẽ là những người tuyệt vời, một khi ta đã thấu hiểu được trái tim của họ.