Chúng ta được ban tặng cơ hội sống để thực hành

Trong cuộc sống, chúng ta được ban tặng cơ hội sống để thực hành những Vai trò của mình, và phát triển những Phẩm chất thông qua việc thực hành những vai trò đó.

Đức Phật hay Đức Chúa Jesus đã lựa chọn những vai trò mang tính chất thuyết giảng/ chia sẻ để giúp cho nhân loại. Một người đã khám phá ra “khoa học về Khổ”, con đường/ giải pháp diệt Khổ áp dụng cho tất cả mọi người không có sự phân biệt, dựa trên cơ sở của việc quan sát chính mình và phát triển trí tuệ qua việc thực hành 8 con đường giải thoát. Một người đã thực hành, chỉ dạy bằng thân mình, lan toả tình yêu thương và lòng bác ái như một điều vô cùng quan trọng trong thế giới hay kể cả vũ trụ này, đó là sức mạnh của niềm tin và tình yêu thương. Phẩm chất của Đức Phật Gotama là “Tỉnh thức”, là “Từ bi”, là “Cho dù là con người, bạn cũng có thể phát triển bản thân để trở thành Phật” (đây là một phẩm chất sẽ truyền cảm hứng cho rất nhiều người)… Phẩm chất của Đức Jesus là “Yêu thương”, là “Bác ái”, là “Niềm tin”… Khi chúng ta noi theo những bậc giác ngộ này, cái chúng ta cần noi theo là những Phẩm chất của họ, chứ không phải tôn sùng chính cá nhân họ. Không biết đã bao nhiêu lần tôi vẫn hay nhắc với các bạn học viên hai câu: “Đừng thần tượng vì thần tượng quá dễ biến thành… tượng thần”, và “Đừng hướng đến Thần tượng, hãy hướng đến Lý tưởng (mà thần tượng chỉ là một đại diện cho lý tưởng đó)”. Nếu ta chỉ tôn sùng cá nhân Đức Phật hay Đức Chúa, mà bỏ qua và không thực hành những Phẩm chất của họ, thì ta sẽ rơi vào sự Sùng tín hay vì là Kính tín. Rồi ta còn cầu xin họ ban cho ta cái này ban cho ta cái kia, việc này không phải lúc nào cũng xấu, nhưng nếu như ta cứ mãi làm như vậy trong khi không thực hành con đường mà họ đã giảng dạy, đó là sự Mê tín. Và, ta còn tranh luận với nhau xem người nào hơn người nào, bậc giác ngộ nào vĩ đại hơn, vì bảo vệ cái “Của tôi” mà ta ra sức phủ nhận những gì có bề ngoài khác biệt và còn không tiếc lời mắng chửi, đó là sự Điên rồ.

Hễ còn sống là còn thực hành những phẩm chất cần thiết, kể cả khi sau này ta ở tuổi 60,70 hay thậm chí 100 tuổi. Lý do cần tôn trọng những người lớn tuổi là vì tuổi già đã trải qua tuổi trẻ, còn tuổi trẻ thì vẫn chưa trải nghiệm được tuổi già. Nhưng điều ta biết thường chỉ là lá cây, còn cái ta không biết lại giống như rừng cây, còn cái mà ta “không biết là mình không biết” (you don’t know what you don’t know) lại giống như toàn thể các khu rừng trên thế giới này gộp lại. Nên nếu suy nghĩ rằng mình đã trải qua và biết hết mọi thứ trên đời, thì ta sẽ không phát triển thêm trí tuệ, và có thể còn rơi vào sự sùng tín thay vì kính tín, hay thậm chí mê tín khi thực hành tâm linh.

Khi thực hành vai trò của diễn thuyết gia, cuộc sống của tôi đã thay đổi. Tôi vẫn không hoàn hảo và còn quá nhiều điều cần phải làm việc với chính mình, nhưng mọi thứ được chuyển hoá liên tục, giúp tôi chuyển hoá bản thân mình và những người xung quanh, đó là cơ hội mà vai trò này đã ban tặng cho tôi.

Từ những năm 2011, khi có may mắn được làm chủ tịch điều hành các chi hội doanh nhân lớn có mặt tại Việt Nam, tôi đã bắt đầu chia sẻ rất nhiều với các chủ doanh nghiệp. Đối tượng chính là các chủ doanh nghiệp. Tuy nhiên, có một “điểm mạnh hoá điểm trừ nhưng dù sao vẫn là ưu điểm” đó là ngoại hình của tôi càng lúc càng trẻ ra. Năm ngoái tôi trẻ hơn trước đó 10 năm khi mới lập nghiệp. Thế mà năm nay tôi lại còn trẻ hơn năm ngoái! Nên, với ngoại hình trẻ như vậy, người ta vẫn nghĩ đối tượng tôi chia sẻ là các bạn trẻ, các bạn sinh viên. Thực ra, đôi khi cũng phải giải thích cho rõ, các bạn trẻ/ sinh viên chỉ chiếm 15% số lượng học viên (có kiểm soát), còn đối tượng chính vẫn là các chủ doanh nghiệp, cấp quản lý, người đi làm, nhân sự các tập đoàn.

Với doanh nhân, tôi không thích “educate” họ thêm thói quen xài chùa, xài miễn phí, không tôn trọng bản quyền và các chất xám vô hình. Có thể tôi sẽ có giai đoạn làm hỗ trợ cho họ như là miễn phí, nhưng tôi sẽ nói trước là trong bao lâu thôi, không phải mãi mãi, tôi không thể tạo ra một cộng đồng doanh nhân chỉ yêu thích sự miễn phí và cứ kêu ca đòi hỏi được. Điều đó phải nhìn lại vào từng đối tượng, và bối cảnh của xã hội/ môi trường/ và đất nước đó mà quyết cho phù hợp. Nhiều khi cũng không phải đúng/ sai, chỉ là tôi không thích như vậy thôi. Với đối tượng trẻ thì tôi thường làm thiên về tính xã hội hơn. Như những buổi chia sẻ ở các Khoá Tu như vầy chẳng hạn.

#tmt_life