Con người là nô lệ của cái gì?

Tất cả chúng ta đều là nô lệ của ký ức.

Ký ức có một sức mạnh ghê gớm khi nó tạo ra những khuôn mẫu hành xử của ta. Hoá ra ta làm tất cả mọi việc trong cuộc đời chỉ vì có những ký ức sâu bên trong mà ta chưa nhận ra, giảng hoà với nó, và đi xa hơn nữa là chuyển hoá nó. Bi kịch hay thành toàn, đau khổ hay hạnh phúc, kể cả hạnh phúc thật sự hay chỉ là hạnh phúc giả tạo, sự bình an thật sự hay sự bình an giả tạo bên ngoài (như lớp vỏ bọc của nhiều ký ức bị đè nén bên trong), nằm ở điểm mấu chốt này: sự thanh tẩy và chuyển hoá ký ức.

Một dân tộc cũng vậy.

Một dân tộc cũng có những ký ức. Và những con người của dân tộc đó trở thành “nô lệ” cho ký ức này. Đó, là một loại “cộng nghiệp”.

Cho đến khi nào ta còn sự thù hằn, tranh đấu với ký ức, ta chưa thể đi xa hơn, vì ta đã tạo ra cái nhà tù cầm tù chính mình. Ta sẽ đi một vòng chỉ để quay lại điểm bắt đầu với ký ức đó, chỉ để tiếp tục lập lại một chu kỳ rồi sẽ được nối tiếp bởi rất nhiều chu kỳ khác tương tự. Ta không thể trở thành con người thực sự tự do.

Nhưng sự bình yên giả tạo với ký ức, đè nén ngọn núi lửa bên trong cũng không giúp ích được cho ta. Ta cần đi xa hơn, là chuyển hoá nó, và mọi phương pháp đều đã có sẵn.

Ở tầng lớp bề ngoài, bên trên, và còn nông, nhưng thật sự hữu ích, hãy bắt đầu với ngôn ngữ. Ngôn ngữ không phải chỉ là ngón tay chỉ trăng, mà ở chiều kích này ngôn ngữ vẫn có sức mạnh của sự sáng tạo. Hãy dùng ngôn ngữ để sáng tạo ra số phận của một cá nhân, hay một dân tộc.

Hãy sử dụng từ “Thống nhất” thay cho “Giải phóng”. Vì càng nhìn toàn diện được bức tranh, ta càng tiến gần đến sự thật hơn. Và khi tiếp cận sự thật, ta hiểu rằng từ ngữ đó có chính xác hay không.

Liệu một bên có cần bên còn lại giải phóng hay không? Ta hãy lấy một ví dụ mặc dù ví dụ này hơi mạo hiểm một chút: Ta có đang dùng điện thoại Samsung hay không? Quốc gia nào tạo ra thương hiệu đó cho chúng ta sử dụng, quốc gia đó có những thành tựu nào về kinh tế hay không? Không chỉ về kinh tế, có phải nền điện ảnh của quốc gia đó vừa đoạt giải Oscar gần đây hay không? Vậy theo bạn đất nước đó có cần một quốc gia láng giềng của họ “giải phóng” họ hay không?

Dù sao, họ đã trở nên chia cắt với nhau, còn Việt Nam vẫn còn là Một. Chúng ta là một. Tất nhiên chúng ta cũng có rất nhiều ký ức đau thương, và ta cần phải chuyển hoá nó. Nhưng càng trở nên tiến bộ hơn về mặt tinh thần, ta càng nhận ra một sự thật rõ ràng hơn, đó là “Chúng ta là Một”. Càng thoái hoá thì càng chia rẽ, càng tiến hoá thì càng nhận ra một sự thật chỉ có thể nhận ra bằng trải nghiệm, đó là tất cả chúng ta chỉ là một mà thôi.

Ngày hôm nay có ý nghĩa như thế. Việt Nam đất nước chúng ta yêu, và chúng ta cam kết dành khả năng cũng như nguồn lực của mình để kiến tạo nên tương lai cho Việt Nam. Tôi nhìn thấy 20 năm nữa Việt Nam sẽ rất khác, đến mức ta không thể tưởng tượng được nếu có lòng tin và hành động nỗ lực. Hãy nghĩ về thành công của đội tuyển U23 Việt Nam ở Cup châu Á, tất nhiên thành công đó cần phải có nền móng bền vững hơn để trở nên thuyết phục hơn, nhưng thông điệp ở đây là trước đấy bạn cũng đâu thể tưởng tượng ra nỗi đúng không? Thành công của đất nước Việt Nam nói chung cũng có thể như thế đó. Hôm nay, 30-4, là ngày Thống Nhất, là ngày mà “Việt Nam Là Một”, là ngày của tinh thần “Chúng Ta Là Một”. Hãy có một kỳ nghỉ Lễ thật vui và ăn mừng vì tinh thần đúng đắn này.

Để ký ức về những người đồng bào chĩa súng vào thái dương bắn vỡ đầu nhau sẽ được chuyển hoá dần dần và tất cả chúng ta cùng làm cho Việt Nam trở thành một nơi đáng sống hơn.