Đó là ngày của chia ly

Hôm đó, Bà nội đưa Ông nội lên đường tập kết ra Bắc. Đang thời chiến tranh. Khi đi, ngang qua cây cầu, nước lụt chảy mạnh bên dưới, bà sợ, nắm chặt tay người đàn ông trụ cột của gia đình.

Đến lúc chia tay, chiến tranh không ai nói trước được điều gì, biết đâu nay mai lại nghe tin dữ, và mãi không còn được gặp lại nhau. Có điều, ánh mắt nhìn nhau da diết, cảm xúc quyến luyến, bồi hồi xúc động… Không biết có nói ra thành lời, nhưng tâm ý cũng như một lời hứa sẽ còn gặp lại… “Anh sẽ về” và “Em sẽ chờ”.

Ông lên đường. Bà lòng buồn rười rượi, lúc đi có bóng hình vững chãi bên cạnh, lúc về chỉ còn lặng lẽ một mình, nước mắt rơi, bà về với đàn con đang chờ ở nhà…

Bên dòng sông Vệ, lúc đó ba chỉ là cậu bé còn đang vui chơi hồn nhiên, vô tư với lứa tuổi của mình. Có nào hay biết cha mình ra đi biền biệt sau đó không biết ngày nào mới có thể trở về.

Đêm trước ngày lên đường, ông nội họp gia đình, dặn bà phải lo cho thằng Tám – là ba – khỏe mạnh, phải cho thằng Tám, thằng Tỷ – tức anh ruột của ba, bác Bảy kế ba – ăn học nên người.

Lời ông dặn dò, bà làm theo… Dù bà phải làm đủ việc nhà nông, thêm nấu rượu, nuôi heo, bán từng trái mít, lọn rau, bó lá… tằn tiện chi tiêu, dành dụm nuôi con ăn học. Bà chống chọi với không biết bao nhiêu khó khăn, bất trắc. Vì gia đình có liên quan với Cách Mạng, bà bị bắt giam suốt mấy tháng. Rồi mấy năm sau, lại bị bắt giam, tra khảo đánh đập tàn nhẫn. Rồi lại trải qua nỗi đau mất đi cô con gái mình yêu thương hết mực.

Bà vượt qua tất cả.

Ba và bác học hết trung học, đậu tú tài 1, tú tài 2, vào học đại học, cao học.

Tiền bà dành dụm tất nhiên không đủ cho ba và bác theo học trên thành phố, nhưng bà truyền được ý chí, nghị lực, và quyết tâm theo đuổi con chữ, làm người có ích. Ba và bác vừa học vừa dạy kèm để có thêm trang trải. Ba còn tay trắng lập nghiệp, xoay sở mở được trung tâm dạy luyện thi Descartes trên Sài Gòn, có nhiều tiếng vang tốt lành, chiêu sinh rất tốt. Một giáo viên của ba bận việc, nhờ mẹ dạy thế. Cũng vì thế, ba gặp mẹ tại đây. Hai người nên duyên vợ chồng sau này.

Từ chỗ cậu bé nghèo chăn trâu bên dòng sông Vệ, ba và các bác đã ăn học đầy đủ, thành tài, trở thành những người có ích, có ảnh hưởng và có đạo đức trong xã hội.

Bà nội đã thực hiện được lời hứa của mình.

Còn ông nội?

Ông đi biền biệt, 1 năm chưa thấy về, rồi 2 năm, 3 năm…

Rồi 5 năm…

Rồi gấp 4 lần con số đó…

Cộng thêm 1 năm.

21 năm sau, ông mới trở về được.

Vượt qua chiến tranh, ông về với bà nội. Gia đình sum vầy. Chồng gặp vợ, cha gặp con, anh gặp em. 21 năm dài như thế, mà ông nội vẫn về được với bà nội. Trong buổi gặp mặt sum vầy đầu tiên, ông nói với cả nhà, chậm rãi, mộc mạc đơn sơ mà hay vô cùng: “Cái hay nhất là Bắc – Nam sum họp một nhà. Non sông Việt Nam thu về một mối. Sống độc lập, tự do, không lo đánh giặc nữa”.

Rồi ông vỗ nhẹ vai bà nói: “Đây là người hùng”. Bà đã thay ông nuôi nấng, dạy dỗ các con nên người, cũng vượt qua biết bao điều bất trắc và đau khổ trong cuộc đời.

Đó là ngày sum họp. Ông nội đã sống sót sau chiến tranh, để quay trở về. Và…

Ông nội đã thực hiện được lời hứa của mình.

Rồi sau này ông mất, sau đó bà cũng mất. Nhẹ nhàng chìm vào giấc ngủ nghìn thu. Đó là những ngày của sự chia ly. Trước khi mất, ông nói với các con: “Cha không có tài sản gì để lại cho các con. Chỉ có cái thẻ Đảng trong sạch, và cái Đạo đức làm người, các con ráng giữ hai cái đó”.

Ba và các bác thực hiện được lời hứa của mình. Không có gì phải hổ thẹn với ông cả.

Sau này, ba mắc bệnh ung thư. Lúc biết ba mang bệnh, tôi kiềm chế dữ lắm nhưng vẫn bật khóc. Ba lấy hai tay đặt lên hai vai tôi, nói: “Đừng lo nhé anh bạn, kiểu gì ba cũng kéo được đến đám cưới con mà”.

Mãi 8 năm sau, tôi mới làm đám cưới. Lúc đó, ba mang bệnh ung thư, lại còn bị sốt xuất huyết ngay trước buổi lễ phải nhập viện. Vậy mà ba trốn viện, xuất hiện vô cùng tươi tỉnh trong buổi lễ, phát biểu vô cùng khúc chiết và rất hay, không ai biết ba đang mang theo 2 thứ bệnh vào lúc ấy, những người trong gia đình thì vô cùng bất ngờ khi ba xuất hiện. Hết tiệc, ba lại quay trở lại bệnh viện, tiếp tục nhập viện theo dõi, đối diện với giai đoạn nguy hiểm của căn bệnh sốt xuất huyết.

Ba hoàn thành lời hứa với con trai.

Mãi đến 5 năm sau lần làm tiệc ấy, ba mới mất.

Ba hoàn thành lời hứa của mình còn trên cả tuyệt vời, “khuyến mãi” thêm tận 5 năm ba à.

Lúc khởi nghiệp, tôi không lấy bằng Đại học Bách Khoa, dù khi học chuyên ngành Kỹ thuật Hệ thống (Industrial Engineer – cùng ngành với Tim Cooks, CEO của Apple bây giờ), tôi là một trong những người giỏi nhất lớp. Thầy giáo viên chủ nhiệm ngành từng ngồi riêng với tôi, có lẽ thầy chỉ muốn động viên tôi học tiếp, nên nói tôi là 1 trong 2 sinh viên mà thầy ấn tượng nhất về khả năng trong lịch sử của ngành, hãy học cho xong để ở lại trường giảng dạy phụ thầy. Tôi lấy được tư duy, kỹ năng, công cụ, và trong thâm tâm luôn tri ân ngành, nhưng tôi không lấy bằng. Cho đến giờ, tôi vẫn chưa từng kiếm được 1 đồng thu nhập nào nhờ tấm bằng Đại học. Nhưng tôi chưa bao giờ nói với bất cứ ai là Đại học không quan trọng cả.

Ba ủng hộ tôi khởi nghiệp, nhưng khi thấy tôi không có bằng Đại học, tôi thấy ba hơi buồn. Ba cũng không ép gì, nhưng có lần tôi nghe ba nói với bàn thờ tổ tiên là đã hứa với ông bà sẽ cho tôi ăn học có bằng Đại học. Điều đó khiến tôi trăn trở.

Rồi, tôi không có cảm giác nào về sự trói buộc, mất tự do. Tôi đã luôn sống cuộc đời tự do rồi, luôn sống cho chính mình rồi. Bấy giờ, tôi lựa chọn sống trách nhiệm. Trách nhiệm nhưng là tự nguyện, chứ không phải ràng buộc. Thật lạ khi người ta sống với nhiều trách nhiệm ràng buộc và chỉ muốn được sống tự do. Còn tôi thì đã sống tự do và muốn lựa chọn trách nhiệm. Sau đó vài năm, tôi âm thầm theo học 1 chương trình Đại học.

Việc đó mất của tôi 6 năm tiếp theo. Vì phải vừa kinh doanh, vừa làm nhiều việc, vừa lo chuyện gia đình, vừa học, và thi.

Để rồi, 1 năm trước khi ba mất, ông cầm trên tay tấm bằng Đại học của tôi. Ông vui, hạnh phúc, và chúc mừng tôi.

Ba đã “thực hiện” được lời hứa của mình với ông bà tổ tiên.

Còn tôi, cũng đã thực hiện được “lời hứa” của mình.

Trong những tháng ngày cuối đời, khi viết những bài chia sẻ lên Facebook, ở cuối bài, ba hay viết: “Thương cha, nhớ cha lắm cha à”, “Viết đến đây thấy nhớ mẹ mình quá”. Đã chia xa nhiều năm, nhưng ông bà nội vẫn luôn trong trái tim ba.

Ngày ba mất, cuối cùng thì ba cũng về gặp lại Ông Nội, Bà Nội rồi ba à. Đó là ngày chia xa, nhưng cũng là ngày đoàn tụ.

Những lời hứa với ba, chúng con sẽ thực hiện được thôi. Ba cứ an tâm, vui vẻ tiếp tục hành trình của mình.

Hôm nay là Vu Lan, con cũng rất nhớ ba. Bông hồng cài áo con nay đã là màu hồng. Nhưng rồi con sẽ gặp lại ba sau, con còn nhiều việc cần làm trước lúc đó.

Con viết bài này để đóng lại giai đoạn vừa qua, rồi con sẽ đổi lại hình đại diện, nhưng con luôn tưởng nhớ ba và mang ba trong trái tim mình đi tiếp cuộc hành trình.

Thương ba, con nhớ ba lắm ba à.

Bất cứ lúc nào muốn tìm thấy ba, rất dễ, chỉ cần nhìn lên bầu trời xanh kia. Nơi nào có mây, nơi đó có ba.

Chúng ta vẫn luôn đồng hành cùng nhau.