Thế giới đã thay đổi và nó vẫn sẽ tiếp tục thay đổi

Ở bài post trước tôi có nhắc về việc hồi xưa có đoán rằng rồi sẽ đến lúc thế giới của chúng ta trở thành một nơi không còn có rào cản về ngôn ngữ. Vì các máy dịch học càng lúc càng nhanh hơn, dịch chính xác hơn, độ lệch pha thời gian tiến đến Zero, mang lại sự thuận tiện tối đa trong giao tiếp.

Nghe có vẻ “thần thánh” nhưng sự thật là cách đây 10 năm thế giới của chúng ta cũng không như bây giờ, và có rất nhiều thói quen bây giờ ăn sâu vào cuộc sống của chúng ta mỗi ngày khi đó vẫn chưa được “sinh ra”.

Thế giới đã thay đổi và nó vẫn sẽ tiếp tục thay đổi.

Như hôm nay trong nhóm chủ đề liên quan đến các thách thức & giải pháp Đổi mới cho Môi trường – Năng lượng sạch để các nhà lãnh đạo trẻ thế giới cùng tư duy và thực thi, một diễn giả tại One Young World – CEO của hãng xe hơi Audi tại Mỹ, đã có phần chia sẻ rất thú vị.

Ông là người gốc Mỹ Latin vì vậy ông lấy Machu Picchu làm một ví dụ tuyệt vời cho… Innovation của người xưa từ cách đây rất lâu. Về cá nhân tôi cho rằng ai đã đi Machu Picchu sẽ thấm một điều nó trở thành 1 trong 7 Kỳ quan thế giới, được đánh giá rất cao không phải chỉ vì ý nghĩa lịch sử của một công trình nơi chỉ còn đất và đá, mà là vì tính đổi mới trong xây dựng khiến khoa học phải sửng sốt. Một ví dụ nhỏ là cũng như các Kim tự tháp danh tiếng nhất ở Ai Cập, người xưa làm thế nào vận chuyển và xếp những tảng đá hàng trăm tấn? Nhất là người Inca không sử dụng bánh xe tròn do nghi thức thờ Thần mặt trời của họ. Những tảng đá được xếp lên không sử dụng vữa để gắn kết lại mà vừa khít với nhau thậm chí không thể lách nỗi một lưỡi dao mỏng vào giữa. Đó còn là tính độc đáo trong thiết kế bao gồm tính mỹ thuật trong kiến trúc độc đáo, sự hoà hợp làm một với thiên nhiên của cả công trình, và nó rất “user friendly”, thiết kế trải nghiệm người dùng của Machu Picchu ấn tượng đến từng khoảng khắc và từng góc nhìn. Người xưa cũng rất “design thinking” đấy chứ.

Đối với Audi thì Innovation không phải là cái gì đó ghê gớm nữa, mà đó là trách nhiệm (responsibility) với xã hội. Vì nếu không đổi mới là gây tổn thất và thiệt hại cho xã hội.

Tôi rất thích một slide của ông ấy như trong tấm hình này mà tôi ngồi hàng trên cùng chụp lại được: cùng chụp 1 thành phố của nước Mỹ, năm 1900 chỉ có 1 chiếc xe ô tô (được khoanh tròn) còn lại tất cả là xe ngựa. Chỉ vỏn vẹn 13 NĂM SAU. Năm 1913, chỉ còn có 1 chiếc xe ngựa (được khoanh tròn) còn lại tất cả là xe ô tô.

Nên quay lại với ví dụ đầu bài viết này, bạn đừng ngạc nhiên nếu thế giới của chúng ta 10 năm sau thay đổi hoàn toàn nhé. Trí tuệ nhân tạo (AI) có thể khởi động từ từ như mọi công việc “tạo bánh đà” khác, nhưng đến một điểm bùng phát nào đó, nó sẽ phát triển hơn cả hàm số mũ, và chúng ta sẽ phải thốt lên “định mệnh” rất nhiều lần ở cửa miệng khi đó.