Làm gì khi ở bên người thân giai đoạn cuối?

Khi một người thân yêu của ta đi đến chặng cuối trong hành trình cuộc sống này, phản ứng thông thường của ta là rất đau buồn.

Ta đau buồn không chỉ vì tình yêu thương dành cho người ấy quá lớn lao, mà còn bởi vì nỗi sợ hãi khi đối diện với sự mất mát. Cảm xúc “Sợ mất” luôn lớn hơn cảm xúc “Có được”. Huống hồ, cái chết là sự tan rã bản ngã. Là sự trải nghiệm cái gọi là “vô thường”. Ta không chấp nhận cái chết khi không thể tự mình chứng nghiệm được 3 câu hỏi sau:

1. Sau khi chết ta sẽ đi về đâu?

Người ta luôn phản kháng sự thay đổi khi không biết sự thay đổi ấy đi về đâu. Chết cũng là một sự thay đổi. Ở trong 1 doanh nghiệp, thông thường các kế hoạch thay đổi, hay tái cấu trúc, sẽ thất bại khi đội ngũ nhân sự không được truyền thông và có niềm tin rằng sự thay đổi này sẽ dẫn họ đi về đâu.

2. Liệu cái chết có phải là sự kết thúc của tất cả?

Nói cách khác, chết là một dấu chấm hết hay chỉ là một dấu chấm than, hay chấm phẩy? Liệu có 1 sự sống tiếp diễn sau cái chết?

3. Thực tại mà ta đang sống là sự thật hay chỉ là ảo ảnh?

Như thế, cái chết có khác gì tỉnh dậy sau một giấc mộng, hay nhấn nút tắt một trò chơi video game mà ta hóa thân vào nhân vật ở trong đó và không còn có thể phân biệt được điều này?

Để trả lời 3 câu hỏi này, cần có sự trải nghiệm ở mức độ khai sáng. Vì vậy ở đây chúng ta chỉ bàn về một vấn đề khác thiết thực và dễ hiểu hơn: Đó là tâm thế của những người xung quanh nên như thế nào khi ở bên cạnh người thân yêu của mình trong giai đoạn cuối?

Tất cả mọi thứ đều là năng lượng, kể cả lời nói, suy nghĩ và cảm xúc. Suy nghĩ và cảm xúc khi phát ra đều có ảnh hưởng đến vạn vật xung quanh. Khoa học cũng đã chứng minh: Mọi thứ là năng lượng. Công thức nổi tiếng e=mc2 của Einstein. Hay nhiều thí nghiệm khác, mà 1 thí nghiệm nổi tiếng có tên là “thí nghiệm của nước” đã chứng minh điều này. Bạn có thể google hoặc đọc thêm về thí nghiệm này ở đường link trong phần comment bên dưới.

Vì vậy, lời nói, suy nghĩ, cũng như cảm xúc của những người xung quanh nhất định sẽ có tác động đến người bệnh giai đoạn cuối. Nó giống như một nguồn năng lượng phát ra và tác động đến người đó.

Theo bạn, người bệnh trong giai đoạn cuối cần điều gì hơn? Sự hoảng loạn, sợ hãi, bi thương hay là sự nhẹ lòng, bình an, thanh thản?

Tất nhiên, là sự bình thản.

Nghệ thuật sống là sống làm sao để chết bình thản. Và mục tiêu của nghệ thuật chết hướng đến cũng là sự bình thản này.

Mục tiêu chính là sự bình thản.

Để làm được như vậy, bên cạnh nội lực từ người bệnh, cần sự hỗ trợ từ những người thân xung quanh.

Nếu chúng ta vì muốn thể hiện tình yêu thương của mình, mà trở nên quá đau buồn, quá thảm thiết, quá bi thống, điều đó sẽ khiến người thân của ta càng thêm đau lòng, có thể làm cho người ấy bị mắc kẹt vì còn nhiều lưu luyến.

Tốt hơn, những người thân hãy là một sự hỗ trợ nguồn năng lượng bình an và thanh thản (bình thản) đến với người thân yêu của mình.

Đây là điều được gần như mọi truyền thống tu tập thừa nhận. Khi một người sắp chết, họ đối diện với loại nghiệp nguy hiểm nhất đó là “cận tử nghiệp”. Ở trong dòng chảy tâm thức của người đó, một Samskara mạnh nhất, nguy hiểm nhất sẽ trồi lên và tái sinh vào kiếp sống sau này, gây ra hậu quả mà người đó phải gánh chịu ở đời sống tiếp theo. Vì thế bên nhà Phật, người ta hay mở băng ghi âm hoặc đọc kinh tụng niệm cho người qua đời để làm giảm nhẹ nghiệp lực này. Còn bên nhà Chúa cũng cầu nguyện cho người quá cố. Vì vậy, để có một sự ra đi bình thản là điều rất quan trọng

Điều này không có nghĩa là ta trở nên lạnh lùng, vô cảm. Bởi, có một số pháp môn tu tập, vì hiểu chưa tới nơi tới chốn về pháp môn ấy nên người đi theo thực hành sự quân bình tâm theo kiểu chối bỏ cảm xúc, dẫn đến nhiều sự đè nén, và họ trở nên “đơ”, “trơ” rồi họ nghĩ là đó là sự tiến bộ trên con đường tu tập. Họ không biết rằng tuy bề mặt có vẻ bình an như thế nhưng sâu thẳm bên dưới họ là một ngọn núi lửa khổng lồ.

Cần hiểu, cảm xúc là một sản phẩm của vũ trụ này. Mọi thứ đều có lý do và ý nghĩa tồn tại của nó. Cảm xúc có tính giáo dục. Và mọi cảm xúc đều có ích khi được đặt đúng chỗ.

Ta có quyền đau buồn, ta có quyền khóc thương cho người thân yêu của mình. Nhưng giọt nước mắt đó không phải là sự níu kéo, dính mắc, ràng buột. Mà là những giọt nước mắt thanh tẩy, thuần khiết. Ta nhớ lại những kỷ niệm đẹp giữa ta và người đó. Ta cám ơn, xin lỗi, biết ơn và yêu thương người đó. Ta thành tâm gửi lời nguyện cầu tốt đẹp và tốt lành đến với người đó khi tiếp tục cuộc hành trình tiếp theo. Một cái chết được thanh tẩy khi ta có thể kể những câu chuyện vui về người ấy, nhắc lại những kỷ niệm đẹp với họ. Ta nhớ lại những bài học thật đẹp mà ta đã học được từ phẩm chất của người đó. Ta nhận ra cuộc đời là một hành trình và ta cần phải thực hiện trọn vẹn hành trình của chính mình. Để rồi, ta có thể, với giọt nước mắt vẫn còn vương trên má, nở một nụ cười thành tâm đưa tiễn người đó lên đường. Gửi những tâm từ (Metta) tốt đẹp đến với người thân thương của ta, dù người đó đang ở nơi đâu…

Người Ngộ đạo rồi, không hành xử giống người thường. Nhưng người thực sự ngộ đạo biết hòa mình vào với thế gian và cư xử như người bình thường. Khóc, cười, yêu.

Và rồi, ta có thể nhìn lên đám mây trên cao, giọt nước trong nhà, cái cây ngoài sân, một hạt bụi bay theo gió, và hiểu rằng…

Người thân của ta đó, họ về với Một, và hiện diện quanh ta đó.

Hoặc dễ hiểu hơn, ta có thể giơ bàn tay của mình lên trước mặt trời, và để Ánh thái dương chiếu vào dòng máu nóng trên tay ta, thấy nó ửng đỏ lên. Ta biết rằng người yêu thương của ta đó, đang chảy trong huyết quản của ta, là Một với ta, luôn ở cạnh bên ta.

Để rồi ta hiểu rằng, cách tốt nhất để vinh danh (honor), tri ân người thân yêu của ta, là hãy sống tốt phần đời còn lại.

Đó là cách tốt nhất để tôn vinh tổ tiên, ông bà, dòng họ, và người thân thương của ta.

Cám ơn.

Xin lỗi.

Yêu thương.

Biết ơn

Bình an.

Mỉm cười.