Mỗi khi tâm lý dở ương, tôi lại “nghiện” đầu tư

Chỉ riêng tháng này tôi đã đi đến cam kết thoả thuận đầu tư vào 4 công ty, đây là những doanh nghiệp đang hoạt động và đều tạo ra những “impact” (tác động tích cực) trên phạm vi thị trường cả nước.

Vì tháng này, tâm lý của tôi cứ dở ương nên tôi lại “nghiện”. Giống như phụ nữ khi buồn thường… đi shopping hoặc là cứ ăn cho thoả thích. Khi tôi thấy thất vọng về một ai hoặc một mối quan hệ, tôi lại đắm mình vào “niềm vui” đi tìm mấy cái công ty tốt tốt mà mình thấy có thể xây dựng sự kết nối với nó và giúp cho nó phát triển đột phá hơn. Kể ra cũng hiệu quả phết.

Nếu bạn hiểu về tôi thì sẽ biết trong những nội dung chia sẻ và giao tiếp của mình, tôi thường rất ít khi dùng những từ ngữ “có vẻ nghiêm trọng” như Đạo Đức, hay Tử Tế. Tôi hạn chế và gần như không nói gì về đạo đức, không phải vì nó không quan trọng, nó rất quan trọng và những ai thấm đẫm những giá trị của chúng tôi đều sẽ tự cảm nhận được tinh thần này toát ra trong từng hơi thở và sống tốt, làm việc tốt hơn. Mà bởi vì, nếu một đoá hoa thực sự thơm thì nó không cần phải nhắc người khác rằng nó thơm. Sự tử tế cũng giống như vậy. Hãy để người khác tự trải nghiệm, cảm nhận và nói về mình hơn là mình tự dán mác chính mình. Lạm dụng quá nhiều những từ ngữ nghiêm trọng như đạo đức, tử tế… sẽ sinh ra một loại “mùi” khác. Có người lại mượn điều này làm “công cụ” để kiếm tiền và điều khiển người khác. Những ai tường nhà share đầy triết lý Phật pháp đôi khi lại là những con người mà ngoài đời vô cùng nóng nảy, hành xử cực đoan. Nói như thế không có nghĩa là không nên tập trung vào điều tích cực và lan toả những điều tử tế, tốt đẹp trong xã hội. Nhưng cũng giống như sư sãi bây giờ chân tu thì ít, mà sống trong những ngôi chùa không có Phật thì nhiều (vì Phật nào mà sống trong những ngôi chùa được xây nên toàn bằng tiền ăn cướp kia chứ). Mối quan hệ là một trong những nền tảng của hạnh phúc. Có người việc cơ bản trong mối quan hệ làm không xong nhưng Facebook lại tràn ngập triết lý này, Phật pháp nọ, đạo đức kia. Các chính trị gia hay các nam thanh niên “diễn giả” thì hay “khoe” gia đình và lấy gia đình của mình ra làm công cụ để “mị dân”/ bán hàng, mà có khi chẳng ý thức được, bởi nếu ý thức được vì có tư duy trí tuệ tốt hơn thì đã chẳng đứng trên sân khấu chia sẻ mấy điều nông cạn như thế.

Tôi tự thấy mình chưa đủ tốt để nói về mấy cái như đạo đức. Hơn nữa, đạo đức là một khái niệm vô cùng tương đối nếu như bạn biết có những nền văn hoá/ văn minh mà ở đó tiêu chuẩn đạo đức của họ có thể khiến bạn bị sốc. Sống theo nguyên lý vũ trụ và luật tự nhiên thì khác sống theo tiêu chuẩn đạo đức của xã hội. Tiêu chuẩn đạo đức mà xã hội gắn mác lắm khi là nguyên nhân gây ra đau khổ cho con người: phụ nữ không hạnh phúc nhưng không dám ly hôn vì “theo xã hội thì em phải có một gia đình, gia đình là quan trọng nhất, phụ nữ hơn nhau ở tấm chồng” và họ nghĩ ly hôn là một cái gì đó rất kinh khủng theo kiểu Ly hôn = Chết, thậm chí thà chết còn hơn tức là Ly hôn > Chết (trong khi đó chỉ là 1 Sự Kiện trong số muôn vàn những sự kiện xẩy ra trong cuộc đời ta: thất nghiệp, tai nạn, nằm bệnh viện… Chỉ thế thôi!) thế nên dẫn đến sự dằn vặt, cam chịu và không được giải thoát = đau khổ. Nói như thế không có nghĩa là ta không nỗ lực vun đắp, tiến tới hoà hợp trước khi mọi hy vọng đều đóng sập lại.

Thế nên khi tâm lý dở ương, tôi lại đi kiếm mấy công ty tốt tốt. Và rồi nhiều người lại mong tôi tiếp tục dở ương. I’m still Single because i’m Busy Changing the world – đó luôn là một lý do tuyệt vời để chống chế cho cái sự ế ??