Năm mới cần thay đổi điều gì?

Đã đến lúc chấp nhận một sự thật không dễ dàng để chấp nhận.

Tất cả chúng ta đều là những con nghiện.

Tất cả mọi người đều nghiện…những niềm tin của mình. Điều đó lý giải vì sao khi ta cố gắng thay đổi niềm tin của một ai đó thì họ sẽ bắt đầu hành xử như… con nghiện vậy.

Bao nhiêu những tiến bộ vĩ đại nhất của thứ được gọi là nền văn minh nhân loại ban đầu đều bị khước từ một cách vô cùng cuồng nhiệt. Các phát minh hay khám phá mới cũng chịu cùng một số phận như vậy.

Chúng ta luôn hành xử như những con nghiện mỗi khi một ai đó cố gắng thay đổi những niềm tin đã có sẵn trong đầu mình, chẳng khác nào ta đã được tiêm vào người những liều Heroin cực mạnh.

Chúng ta tin mãnh liệt vào một số điều và cứ khăng khăng điều đó là đúng.

Thật khó mà tin được những niềm tin sau đây đã từng rất phổ biến, nếu không muốn nói là “chân lý” được chấp nhận rộng rãi ở nhiều nơi trên toàn thế giới này:

-Một xã hội mà nữ giới luôn thấp hơn nam giới là một xã hội hợp với quy luật tự nhiên.

-Với xã hội loài người, có những chủng tộc thượng đẳng hơn và có quyền cai trị chủng tộc khác. Chế độ nô lệ là tất nhiên.

-Xe ô tô chỉ là mốt nhất thời, xe ngựa mới là vĩnh viễn.

-Trái đất là một cái dĩa phẳng. Mặt trời quay xung quanh trái đất.

Thật khó hiểu khi môi trường kinh doanh Việt Nam năm 2020 vẫn còn đó tồn tại một loại niềm tin phổ biến. Tôi cũng không hiểu vì sao vẫn còn đó nhiều giảng viên dạy các doanh nhân học viên của mình điều này:

“Thương trường Là Chiến trường”

Loại niềm tin này gây ra những hệ quả gì trong kinh doanh, trong cuộc sống, và cho xã hội?

Doanh nhân là người lính, người lính thì cầm súng, và cầm súng để bắn chết ai? Giết ai? Tiêu diệt ai?

Niềm tin này tạo ra thái độ thù địch, tạo ra tâm lý “không giết thì không sống”; tạo ra trạng thái làm cho mọi thứ khan hiếm, vì khan hiếm nên phải tranh giành, thay vì đúng với bản chất của vũ trụ là đang giãn nở, nó trái ngược với một niềm tin khác là mọi thứ luôn đủ đầy và dư dật khi tập trung vào năng lượng của sự sáng tạo. Niềm tin này cũng tạo ra những cách hành xử lose – lose trong kinh doanh. Niềm tin này tạo ra phong cách thường thấy, đặc biệt là ở môi trường Corporate, đó là Agressive, và đa phần có gì đó hơi thái quá, too much agressive, một biến dạng lệch lạc của nó là trở nên cực đoan và không còn trung dung, không còn có sự khách quan khi nhìn nhận một vấn đề. Chưa kể, niềm tin này tạo ra những cạnh tranh tiêu cực gây tổn hại đến chính người tiêu dùng, vì trong chiến tranh “binh bất yếm trá”, một là sống hai là chết, đừng nói về đạo đức hay cái gì mà “chơi đẹp” ở đây, cạnh tranh bẩn để chiến thắng, kể cả khi điều đó gây thiệt hại cho chính khách hàng. Ngoài ra, loại niềm tin này còn gây ra quá nhiều Stress, áp lực, cảm giác tội lỗi, bệnh tật vì căng thẳng, và một cuộc sống kinh doanh đầy nuối tiếc.

Kinh doanh là đơn giản. Nhưng con người làm cho nó trở nên quá phức tạp.

Cuộc sống là giản đơn. Nhưng con người làm cho cuộc sống trở nên quá khó khăn.

Người doanh nhân hoàn toàn có thể lựa chọn một niềm tin khác, một cách hành xử khác. Nhưng khi đó lại càng phải cẩn thận, vì như vậy kẻo nhìn đời màu hồng, trong khi xung quanh toàn màu đen. Xã hội không cho ta lương thiện, nhập gia thì tuỳ tục, ai cũng thế sao mình không thế, bây giờ chỉ mình mình là Thạch Sanh còn xung quanh toàn Lý Thông thì mình sẽ bị hại chết với cái sự “ngây thơ” đó mất, khi đó coi chừng “hồng” được vài hôm lại chuyển sang “đen kịt”, phải làm sao?

Hãy dịch chuyển phong cách của mình một cách từ từ, rồi sẽ đến lúc bạn thực hành được phong cách sống Doanh nhân Hạnh phúc một cách tự nhiên, không cần phải quá thúc ép, không cần phải quá nỗ lực.

Điều đầu tiên mà ta cần phải thay đổi đó chính là nhận thức được điều này và thay đổi niềm tin của mình. Đừng quên rằng chính niềm tin của ta về thực tại tạo ra thực tại. Thực tại môi trường kinh doanh tại Việt Nam đang như thế vì có nhiều người tin nó là như thế. Nhưng lịch sử (và cả hiện tại) đã chứng minh một điều không phải cái gì số đông tin là đúng thì nó cũng đúng.

Vì thế, khi bắt đầu thay đổi và thực hành phong cách sống mới trong kinh doanh, hãy lan toả để truyền cảm hứng cho nhiều người hơn nữa. Khi đó một thực tại mới sẽ được kiến tạo. Và bạn chính là người góp phần tạo ra thực tại đó.

Doanh nhân có thể học tinh thần và dũng khí của người lính, nhưng doanh nhân không phải giết người như người lính.

Thương trường (có vài điểm) Giống Chiến trường. Nhưng Thương trường KHÔNG phải Là Chiến trường.