Nghề diễn thuyết quan trọng như thế đó

Nghề diễn thuyết quan trọng như thế đó. Chứ không phải như những diễn giả “dạy làm giàu nhanh”, dạy “internet marketing dỏm” khiến giá trị của nghề diễn thuyết bị đảo lộn trong xã hội. Tôi sẽ chia sẻ để bạn hiểu vì sao một bài diễn thuyết lại có sức mạnh đến như thế.

Con người có ý thức và tiềm thức. Ý thức như phần trên mặt đất, chính là cây, là quả (kết quả). Tiềm thức chính là phần dưới mặt đất, chính là đất, trong đất có hạt giống, hạt giống này sẽ phát triển và “trỗi dậy” đâm xuyên lên trên mặt đất hiển thị ra ngoài phần ý thức. Nên những trái/quả ta thu hoạch được ở phần ý thức, chỉ là “kết quả” của những gì vận hành bên dưới tiềm thức. Những quả/trái đó chính là những kết quả trong cuộc đời của ta: sự thành công, giàu có, hạnh phúc, mối quan hệ, tài chính, duyên phận… Vì vậy, tu tập/phát triển bản thân rất giống với người làm vườn. Nếu người làm vườn phải làm việc với đất thì người tu tập phải làm việc với tiềm thức. Nếu chỉ làm việc với ý thức thì sẽ không thành công. Tất cả các hạt giống đều nằm trong tiềm thức và chỉ có tiềm thức mới cống hiến được những hoa trái của sự hiểu biết, sự yêu thương, sự giác ngộ.

Khi nghe một bài diễn thuyết đầy sức mạnh (đúng nội dung), từ một người có đủ trải nghiệm (đúng người) vào đúng lúc (đúng thời điểm), được hỗ trợ hoàn hảo bởi bối cảnh phù hợp (đúng chỗ), ảnh hưởng của bài diễn thuyết không chỉ tác động đến phần ý thức mà diễn giả có thể làm lay động luôn cả phần tiềm thức của người nghe. Qua đó “cày xới” mảnh đất tâm của người nghe, như người nông dân cày ruộng, xới đất, nay mảnh đất tâm – nơi của tiềm thức cũng được cày xới, vun đắp những hạt giống tốt, loại bỏ những hạt giống xấu, để cho những hạt giống tốt có điều kiện vươn lên và trở thành kết quả trong cuộc đời của người nghe.

Nên có một điều khá nhiều người nhầm lẫn, người ta nghĩ rằng nghe chỉ là nghe thôi, cần phải có hành động sau khi nghe thì mới chuyển hóa được. Thật ra điều đó là đúng nhưng chưa đủ. Vì với một bài diễn thuyết đủ sức mạnh thì nghe cũng chính là đang “hành tâm” – hành động với tâm thức của mình, cày xới tiềm thức của mình, chăm sóc hạt giống tốt của mình. Sự chuyển hóa diễn ra ngay lập tức khi nghe diễn thuyết. Cũng giống như một nhà truyền giáo hay một vị sư khi giảng đạo/thuyết pháp, người nghe như được “tưới tẩm” những hạt giống tốt đẹp trong mảnh đất tâm của mình, mảnh đất tươi tốt màu mỡ hơn, hạt giống nảy nở phát triển, và sự chuyển hóa diễn ra ngay khi nghe.

Đến đây lại có một ngộ nhận thứ hai, người ta thường cho rằng sự thay đổi phải là một quá trình, không thể ngay tức khắc được. Thật ra, điều này cũng không sai nhưng chưa đủ. Quan điểm “sự thay đổi phải là một quá trình tích lũy đủ dài” đôi khi chỉ là sự ngụy biện của những người không chịu thay đổi. Vì họ cho rằng sự thay đổi rất mất công, mất thời gian, mất công sức, phải là cả một quá trình dài. Nên họ dùng lý do đó để trì hoãn, thậm chí né tránh việc thay đổi. Thật ra, sự thay đổi có thể đến ngay trong tức khắc, ngay trong một quyết định: Nhận 100% trách nhiệm về bản thân. Nếu bạn không chủ động đưa ra quyết định đó thì “Ông Trời” sẽ ép bạn phải thay đổi bằng cách đưa cho bạn một biến cố, một sự thật, một bất ngờ nào đó mà bạn phải gánh chịu, và khi sự tổn thương cùng nỗi đau đủ lớn, bạn sẽ phải ra quyết định: “Ồ không, mình cần phải thay đổi!”. Thật ra hoàn cảnh xung quanh bạn không ngừng thay đổi, nhưng bạn lại không chú tâm đến điều đó. Đến khi môi trường ép bạn phải thay đổi thì đó cũng là lúc bạn phải trả giá cho sự thay đổi này.

Một chương trình diễn thuyết hay đào tạo tốt sẽ mang đến cho bạn bối cảnh và những trải nghiệm tương tự, để bạn đưa ra quyết định thay đổi và chuyển hóa bản thân mình ngay tức khắc. Đó là sức mạnh của giáo dục. Và sự thay đổi diễn ra không phải trong một quá trình, mà có thể là ngay trong khoảnh khắc của một quyết định. Và quyết định quan trọng nhất luôn là quyết định của ngày hôm nay. Thời điểm phù hợp nhất để thay đổi là ngay hôm nay!

Trích: Chương 13 – Quyết định quan trọng nhất là quyết định của ngày hôm nay, Sách Trước Bình Minh Luôn Là Đêm Tối.