Nhân dịp Donald Trump sang Việt Nam

Nhân dịp Đỗ Năm Trăm sang Việt Nam, xem lại bài viết cách đây 3 năm về chuyện tranh cử tổng thống của Trump.

Well, thông thường thì cách mà chúng ta nói về việc yêu hay ghét một con người nào đó, thể hiện chính bản thân chúng ta nhiều hơn là về người đó.

Tôi cũng vậy, tương lai thế nào không quan trọng, trong hiện tại tôi không giấu diếm việc sau Lincoln thì Trăm là tổng thống “favorite” của mình.

Những người quá yêu thích sự thảo mai, có phần giả tạo và sáo rỗng của những nhân vật chính trường như… Justin Trudeau (thủ tướng Canada) chẳng hạn, thì có lẽ sẽ không thích Trump.

Cá nhân tôi thích ông ấy. Nguyên 1 năm 2018 tôi cứ mãi lập đi lập lại với nhiều bạn thích “tạc tượng” tôi rằng: “Tôi không phải là người tốt”. (Đó là tôi đã kìm nén không nói thêm vế “Những người tốt là những người rất “nguy hiểm”). Tôi chỉ muốn sống cuộc đời của mình và làm điều tôi muốn làm cho bản thân, cho người khác, chứ không thích chịu trách nhiệm cho “bức tượng” kỳ vọng của bạn đã tạc về tôi. Đó là chưa kể năm 2019 này tôi còn đang muốn làm “người xấu” đây. Tôi chả quan tâm đến việc phải giữ những gì mình có, vì tôi đã có trong một thời gian và đủ rồi. Tôi muốn sáng tạo con người mình lúc nào cũng được.

“Tổng thống xấu xa” Donald Trump, vị CEO của nước Mỹ, nếu xét theo kết quả, KPI, ông đang là một trong những tổng thống thành công nhất: thất nghiệp thấp nhất, tăng trưởng kinh tế cao, thị trường chứng khoán tăng vù vù… Ghét Trump một phần do truyền thông xuyên tạc, nhưng Trump là tổng thống hiếm hoi không ngán truyền thông và còn chém ngược lại truyền thông bẩn.

Xấu, mà làm được nhiều chuyện cho đời. Còn hơn bọn ráng làm người tốt, mà mãi không xong, tối ngày đi nói xấu người khác.

9.11.2016

Người đàn ông này khởi nghiệp kinh doanh và kiếm được hơn 2 tỷ USD. Rồi phá sản nhiều lần (4 lần), có khi mất hết tiền bạc và còn nợ nần chồng chất. Nói theo một cách nào đó thì khi ấy ông ta thậm chí còn thua cả người ăn mày! Vì ăn mày thì chỉ không có tiền thôi (Zero), còn ông này thì không chỉ không có mà còn phải trả một số nợ rất lớn (Âm tiền). Bạn sẽ làm được gì nếu ở trong hoàn cảnh bi đát như vậy? Kiếm thuốc trừ sâu hay thuốc chuột chăng?

Làm lại từ đầu và xây dựng một cơ nghiệp vĩ đại trở lại (Great Again). Thậm chí còn vĩ đại hơn. Bởi vì không quan trọng số tiền bạn đang có định nghĩa con người bạn. Mà quan trọng bạn là ai, đầu óc của bạn thế nào, có năng lực gì, con người của bạn định nghĩa số dư tài chính mà bạn kiếm được. Nếu đó là một người đàn ông tỷ USD thì cho dù có rơi xuống bùn bao nhiêu lần, ông ấy vẫn sẽ kiếm lại hàng tỷ USD. Thật vậy, sau khi “còn thua cả người ăn mày”, ông ấy gầy dựng tài sản của mình gấp 3, gấp 4 lần con số tỷ đô cao nhất mà ngày xưa mình từng kiếm được.

Cái gã “khó ưa” ấy là Donald Trump, sinh ngày 14.06, một trong những người nỗi tiếng cung Song Tử.

Bén nhạy trong kinh doanh, lão luyện trong điều hành, kinh nghiệm trong PR, thương hiệu Trump là một thương hiệu vô cùng đặc biệt. Một thương hiệu gây tranh cãi. Những người Việt Nam lo lắng rằng đưa Trump lên cũng giống như một gã điên, một Hitler của Hoa Kỳ, một phiên bản khác của người đứng đầu đất nước Philippines.

Tốt hay xấu thì cứ để thời gian trả lời mới biết.

Song về cá nhân, tôi cho rằng nền chính trị của Mỹ, như những quốc gia tiến bộ khác (họ vẫn đang là quốc gia dẫn đầu) là nền chính trị dựa trên Điều hành hơn là Cai trị. Muốn biết dựa trên điều hành là gì thì ta xem cách một công ty cổ phần phải có Nghĩa vụ, Trách nhiệm tổ chức hoạt động hiệu quả để Phụng sự khách hàng của mình, cân đối việc Thỏa mãn đầy đủ nhu cầu của tam giác Khách hàng – Nhân viên – Cổ đông. Muốn biết Cai trị là gì thì ta tìm đến một số quốc gia nơi mà những người được trả lương bằng tiền thuế của dân lại được gọi là “Quan”, và “Quan” thì tất nhiên phải có cách hành xử kiểu “bề trên” và “ban phát” với “Dân” (không phải tất cả). Đó là sự khác biệt giữa Điều hành và Cai trị!

Nếu xem nước Mỹ là một doanh nghiệp, tổng thống là CEO. Doanh nghiệp này được chuẩn hóa tốt đến mức trong giai đoạn sáng lập, những nhà kỹ trị – những Founders của America đã tạo ra những hệ thống và quy tắc ứng xử, hệ giá trị cốt lõi “muốn thêm hay bớt một chữ cũng không được”, và cái vĩ đại là nó có giá trị gắn kết, đảm bảo lợi ích và sự phát triển của một dân tộc chỉ là “Hợp chủng quốc”, một đám người ô hợp lại với nhau. Những hệ thống này được viết ra một lần mà tồn tại và phát huy tác dụng tích cực đến nhiều năm trăm về sau, không phải kiểu “hư đâu sửa đấy”. Nước Mỹ là một quốc gia có hệ thống điều hành hằn hoi (System Based), không phải là một nơi điều hành chỉ theo ý chí của một nhà lãnh tụ: như Thần, như Thánh, như một Đấng quân vương, hay một kẻ Độc tài. Không phải theo kiểu người sau lên thì muốn “tạo dấu ấn” so với người trước. Mọi thứ thoạt nhìn thì có vẻ khác biệt, song sâu xa bên trong có bánh răng và lộ trình hẳn hoi, lộ trình của cả nước Mỹ!

Ông Trump lúc tranh cử làm Định vị rất tốt (Positioning), có bộ máy hoạt động hiệu quả và cái quan trọng là tạo ra sự khác biệt (Difference) thật sự với đối thủ cạnh tranh, qua đó giành được một thị phần mục tiêu những người ủng hộ mình, một thị phần đủ để mình chiến thắng. Một chiến lược rất xuất sắc! Nếu đây là một gã điên thì có lẽ cũng là một gã điên thiên tài! Gượm lại nào, bạn nghĩ là một gã hề, vớ vẫn, khùng điên, có thể làm được tất cả những điều này? Ngay từ trước cuộc bầu cử cuối cùng, tôi đã nói với những người bạn là chúng ta đánh giá quá thấp Trump, người Việt Nam bị bộ máy truyền thông dẫn dắt và có cái nhìn còn (hơi) thiển cận về Trump. Và tôi cho rằng Trump sẽ thắng.

Nên cho dù Trump có là một gã điên hay không thì America vẫn vận hành thông qua một hệ thống. Lúc tranh cử thì phải có “bài” để tạo khác biệt chứ đến khi điều hành thì chưa chắc làm khùng làm điên như vậy. Tất nhiên mọi hệ thống đều có kẻ hở, mọi cuộc chơi đều có những diễn biến và giật dây từ hậu trường. Nhưng dù Trump hay Clinton lên, trước mắt nước Mỹ vẫn chưa khác biệt nhiều, vì nó được thiết kế như vậy từ đầu.

Warren Buffet từng nói hãy mua cổ phiếu của những công ty nào mà có hệ thống xuất sắc đến nỗi một thằng ngu cũng có thể điều hành được, vì thế nào cũng có ngày sẽ có một thằng ngu lên điều hành! Mà đã giữ được sự giàu có thì không ngu, mấy chế à :- )

Nước Mỹ, theo cách dùng từ của Jim Collins, thì được “buit to last” (chỉ ít là trong vài trăm năm, theo “vô thường” – một trong những quy luật vũ trụ mà đạo Phật đã khám phá ra và dạy lại thì trên đời này không có cái gì trường tồn và vĩnh viễn được). Hệ thống dù sao cũng do con người tạo ra. Nhưng sau đó chính hệ thống lại tạo ra con người. Đó là một sự tiến hóa song song và đan xen!

Là người trong công việc có liên quan đến dệt may, tôi có hơi tí buồn khi TPP có lẽ sẽ không được thông qua. Song nó có thông qua hay không thì vận mệnh của mình phải do mình kiểm soát! Trump lên thì thế giới sẽ trở nên thú vị hơn. Chia buồn cùng 2 lần “lỡ đò” của Clinton, đây không phải là vấn đề về “nữ quyền” hay “bình đẳng giới” (Trong các công ty của tôi thì Women Leaders nhiều lắm), đây là vấn đề khi người Mỹ quá ngao ngán với những thái độ tử tế và tỏ ra tốt đẹp giả tạo của giới chính khách là những con rối của các nhà tài phiệt trong nhiều năm qua, quá Nice, quá Kind, quá Khéo, Song lại không thật. Tôi thất vọng với thông điệp cuối cùng của Clinton: “Tình yêu chiến thắng Thù hận” (Love trumps Hate). Nó hay, nó tốt. Song nó nên là tít của một tác phẩm tiểu thuyết văn học. Hay nên là thông điệp của một diễn giả cấp độ thấp hơn khi đang diễn thuyết cho nhiều người. Còn khi là một tổng thống Mỹ, người dân cần nhiều hơn câu nói sáo rỗng và nhàm chán, rất điện ảnh ấy. Về Situation Leadership, Trump đã dẫn trước Clinton, gã điên đã có lợi thế hơn hẳn “phiên bản nam của Bill Clinton”. Người mà tổng thống Obama từng nhiều lần “nhạo báng” (ngay từ khi người đó chưa có ý định tranh cử tổng thống) giờ đây sẽ thay thế chính ngài!

Nước Mỹ đã tự chọn tổng thống cho mình. Họ đã tự chọn vận mệnh cho mình. Màn kịch phần này tạm khép lại. Mỹ cũng vậy, mà Việt Nam cũng đang như vậy, những người dân luôn có một Chính quyền Xứng đáng với… Chính họ.