Vì sao mình tích luỹ quá nhiều đồ đạc cũ?

Hôm nay chúng ta sẽ tìm hiểu xem vì sao mình tích luỹ quá nhiều đồ đạc cũ?

Ta tích luỹ nhiều đồ đạc cũ vì ta có sự bất an từ bên trong, ta sợ cảm giác mình bị thiếu thốn, và không có đủ những đồ đạc dự phòng.

Ta có những cảm giác trên vì bên trong ta có những ký ức về việc sinh tồn và những khó khăn trong cuộc sống (Bạn còn nhớ một chia sẻ trước đây chứ: Con người đều là nô lệ của ký ức). Điều này khiến sự bất an ngày càng tích tụ nhiều lên, nó được thể hiện ra bên ngoài qua những đồ đạc thừa mứa trong cuộc sống.

Và những đồ đạc này chứa năng lượng về những ký ức ấy, nó kích hoạt các ký ức, và khiến ta ngày càng tích tụ nhiều cảm giác bất an bên trong. Khi cảm giác bất an này tích tụ đủ nhiều, nó sẽ dẫn đến sự trầm cảm.

Đó là cảm giác lo lắng nhưng không biết lo lắng về cái gì, không gọi tên được cảm xúc của mình, đôi khi không định danh được sự trống vắng bên trong mình là gì. Khi đó ta không còn thực hành được sự chánh niệm (sống trong hiện tại) vì tâm trí mãi bị lo lắng (mất chánh niệm), ta cũng quên mất đi sự vô thường (mọi thứ đều thay đổi) vì thế một mặt ta giữ những đồ vật cũ để đối phó với cảm giác bất an, mong muốn mọi thứ vẫn như cũ, mặt khác ta lại chứng kiến nhiều sự đổi thay không thể tránh được trong cuộc sống, mà ta không chấp nhận được sự thay đổi đó (hiểu về vô thường) thì ta lại càng rơi vào trầm cảm sâu hơn.

Vậy cần làm gì với đồ đạc cũ?

Việc giữ quá nhiều đồ đạc cũ là không tốt. Ta hãy Cho nó đi, hoặc đem nó đi Tái chế, hoặc đem làm Từ thiện, hoặc nếu muốn ta có thể Bán lại nó với giá hợp lý. Phương án nào ta cảm thấy thoải mái thì cứ làm, cái quan trọng là phương pháp giúp ta thực hành được tâm xả tốt thì ta làm.

Đừng hiểu lầm tôi, đây không phải là trào lưu “Sống tối giản” hay vứt bỏ hết đồ đạc không cần thiết một cách không thương tiếc ở thời đại vật chất thừa mứa. Ta không cần phải cực đoan về một chuyện gì hết. Kể cả việc vất đi những đồ đạc cũ. Ta hãy cứ trung dung và xử lý cho hài hoà. Nhưng việc giữ lại nhiều đồ đạc cũ không còn cần thiết là một điều rất không tốt.

Kinh nghiệm cho thấy, vật dụng nào sau 6-12 tháng không dùng đến mà “Đời ta vẫn không sao” thì ta hãy xử lý nó theo một trong số các chiến lược trên: Cho/ Từ thiện/ Bán lại/ Vất bỏ/ Tái chế. Cái nào không còn dùng được thì ta vất đi. Cái nào còn dùng được, ở thời đại 4.0 này ta có thể chụp hình đưa lên Facebook, để chung trong một Album đặt tên là “Người dám cho đi” hoặc “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng” hoặc muốn đỡ oách hơn, đỡ “kêu” hơn (nhớ đừng đặt tên Album là “Hoa rơi cửa Phật” hay “Đời là vô thường” kẻo bị hiểu nhầm) thì cứ để tên đơn giản nào mà bạn thích cũng được, ví dụ “Thích thì nhích”, hoặc muốn nhẹ nhàng và trực tiếp hơn thì “Album tặng đồ”. Rồi sau đó hãy thông báo cho đi những vật dụng này, người ta vào xin và đến nhà lấy, ta lại thực hành được tâm xả và cảm thấy hào sảng, hạnh phúc khi cho đi. Đời ta sẽ vui hơn và ta sống cuộc đời hạnh phúc hơn.

Ít (sở hữu/ ràng buột) hơn đôi khi là Nhiều (hạnh phúc) hơn. Đôi khi.

Lắm khi.